- 12 27, 2022
7 Cách Phân Biệt Da Thật Và Da Giả Đơn Giản
Đồ da là chất liệu luôn toát ra vẻ thời thượng, xa xỉ và sành điệu. Đồ da được sử dụng rộng rãi trong thời trang và đồ nội thất nhờ giá trị thẩm mỹ, cũng như thể hiện được đẳng cấp của người dùng. Vì nhiều ưu điểm như thế, giá thành của những sản phẩm bằng da thật khá cao, đặc biệt là với các chất da ít phổ biến và đòi hỏi kỹ thuật xử lý, chế tác tinh xảo. Điều đó dẫn tới sự xuất hiện của sản phẩm da giả, đồ giả da nhiều hơn và đôi khi bị bán lẫn với đồ da chính hiệu. Bài viết này sẽ nêu ra các đặc điểm của đồ da giả để các bạn dễ dàng phòng tránh hơn. Tất nhiên, chúng ta đang nói đến những món đồ làm từ chất liệu khác nhưng lại được gọi là “da”, còn đồ da nhân tạo có một mảng riêng của nó.
Khác biệt cơ bản của da thật và da giả?
Da thật hay da thuộc nói chung là da động vật tự nhiên, trải qua nhiều xử lý chuyên biệt giúp da dai hơn, sức chịu lực và độ bóng trước khi được mang đi chế tác thành sản phẩm thời trang hay đồ nội thất. Quy trình này còn giúp ngăn chặn quá trình thối rữa, giúp da bền hơn và tăng tuổi thọ cho da.
Thuộc da chính là cách gọi của quy trình xử lý da vừa nói trên. Tuỳ theo từng loại da mà tiêu chuẩn cũng như yêu cầu về cách xử lý sẽ khác nhau. Đa phần đều bao gồm các bước làm sạch, ngâm cùng hoá chất chuyên dụng, phơi khô và phân loại. Mỗi loại da sẽ có sự khác biệt và độ dày mỏng, kết cấu, độ thấm hút, và cách thuộc da cũng là một trong những yếu tố ít nhiều ảnh hưởng đến thành phẩm cuối cùng.
Trong khi đó, da giả, hay da nhân tạo hầu hết làm từ các sợi nhân tạo, phổ biến nhất là sợi polyester để làm da simili và vụn da để làm da PU (hay còn gọi là da polyurethane). Những sợi trên được phủ thêm lớp nhựa PVC giúp tạo vân và lên màu để giống da thật hơn, tăng giá trị ứng dụng trong nhiều hoàn cảnh. Tuy có giá thành thấp và dễ tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng hơn nhưng so với da thật, đồ giả da kém bền và không có được nét "mộc" thời thượng đắt giá đó.
Để phân biệt những món đồ bằng da thật và da giả, bạn có thể áp dụng 7 cách dưới đây.
7 cách phân biệt da thật và da giả
1. Quan sát bề mặt da bằng mắt
Da thật bằng da động vật sẽ có lỗ chân lông khá to chứ không láng bóng hoàn toàn như da nhân tạo. Vì thế, quan sát bề mặt da là một cách khá đơn giản giúp bạn phân biệt hàng thật và giả:
Một số nơi làm da nhân tạo sẽ có những kỹ thuật để làm giả đặc điểm này nhưng nếu tinh ý sẽ nhận ra rằng đó là lỗ chân lông nhân tạo, khó mà trông thật được.
Tuy nhiên với những sản phẩm da cao cấp hoặc các loại da đặc thù, quy trình thuộc da được chăm chút và xử lý cực kỳ tinh xảo nên bề mặt da sẽ láng mịn chứ không nhìn rõ lỗ chân lông như thông thường. Do đó, đôi khi cách quan sát lỗ chân lông sẽ không sử dụng được.
2. Ngửi mùi da
Nếu quan sát bề mặt da vẫn chưa đủ, bạn có thể trực tiếp ngửi mùi của da. Da thật có mùi đặc trưng tự nhiên, rất khó để làm giả hay bị nhầm lẫn. Tùy thuộc vào loại động vật và các bước thuộc thì da cũng sẽ có mùi khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung thì mùi “da thuộc” ấy thường được mô tả là khá tự nhiên, thơm dịu như đất, hoặc có khi không có mùi. Da thật kém chất lượng có thể có mùi khó chịu; trong khi đó, da giả lại có mùi của nhựa PVC hay mùi hoá chất.
3. Kiểm tra đường cắt của da
Da giả sẽ có đường cắt gần như hoàn hảo vì chất da vốn được làm bằng máy, trong khi da thật lại không đều chằn chặn như thế mà hơi thô.
Điều này càng đúng khi mô tả các sản phẩm handmade, đặc biệt là túi da, theo phong cách da mộc. Với các chiếc túi handmade, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy chẳng những da có màu nâu tự nhiên đặc trưng, mà những nét cắt và may cũng theo kiểu cổ xưa, cũ kỹ, mang một nét đẹp đậm chất cổ điển. Ngoài ra khi gấp lại, da thật sẽ cong lại dễ dàng chứ không bị cứng, thô.
4. Kiểm tra độ thấm hút nước
Da thật có khả năng thấm hút nước nên khi nhỏ nước lên da thật, bạn sẽ thấy giọt nước lan rộng ra và từ từ bị thấm vào chứ không trơn tuột như trên da giả. Tuy nhiên, một số loại da giả, chẳng hạn như da làm từ sợi microfiber, cũng có thể thấm nước. Vậy nên cần kết hợp nhiều bài kiểm tra để biết chắc được da là thật hay không.
5. Sờ vào bề mặt da và cảm nhận
Bạn có thể sờ trực tiếp vào tấm da thật để cảm nhận kết cấu của da. Da thật sẽ mềm, hơi thô nhẹ tự nhiên còn da giả lại cứng, cảm giác khá "nhân tạo" dù cho vẻ ngoài có giống thật thế nào đi chăng nữa.
Bên cạnh đó khi ấn vào bề mặt, da thật sẽ lún nhẹ sau đó trở lại trạng thái bình thường. Da giả, trong khi đó, lại không có được độ đàn hồi đó mà cứng hơn đáng kể.
6. Dùng lửa để hơ hay đốt
Đây là một trong những cách phân biệt da thật da giả đơn giản, được nhiều người áp dụng vì độ chính xác cao. Khi hơ da thật qua lửa, bạn sẽ ngửi thấy mùi hơi khét trong khi da giả có mùi hắc như nhựa cháy. Da thật có khả năng chống lửa nên nếu đốt hay hơ qua lửa, bề mặt da chỉ hơi se lại chứ bị cháy hẳn. Còn da giả thì dễ cháy trụi và bị vón cục lại.
7. Nhận biết sau một thời gian sử dụng
Da thật có ưu điểm là càng dùng càng mềm, nhưng lại có thể bị xỉn màu đi đôi chút do tác động từ môi trường. Trong trường hợp này, bạn có thể lau sạch da sau đó thoa ít kem dưỡng hay xi để da mới lại như bình thường hoặc sử dụng những sản phẩm xịt dưỡng chuyên dùng.
Da giả ngược lại thì lúc đầu sẽ có độ bóng cao, và vẻ ngoài đẹp đẽ ấy cũng sẽ giữ được khá lâu do hóa chất xử lý. Tuy nhiên, về lâu dài thì bề mặt da giả sẽ dễ xuất hiện vết nứt.
Đa phần mọi người lựa chọn đồ da thật vì nét đẹp sành điệu, sự đẳng cấp và thần thái sang trọng. Ngoài ra, đồ handmade từ chất liệu này cũng hết sức được yêu thích vì tính cá nhân hóa cao. Song song với đó là độ bền cao và giá trị có tính sưu tầm của da thật, đặc biệt là những chất liệu da có nguồn gốc quý hiếm. Không có gì khó chịu hơn việc mua nhầm một chiếc túi xách, hay đôi giày da kiểu dáng vừa ý với mức giá cao nhưng sau đó phát hiện rằng đó là hàng giả da. Hy vọng với bài viết trên, CHUS đã giúp bạn biết thêm mẹo để phân biệt da thật da giả một cách đơn giản và hiệu quả hơn.