- 8 31, 2023
Bảo Tồn “Chất Riêng” Giữa Xu Thế AI & Sản Xuất Hàng Loạt
Trong bối cảnh xã hội phát triển, Trí Tuệ Nhân Tạo (Artificial Intelligence - AI) ngày càng trở nên phổ biến và được ứng dụng nhiều hơn trong công việc cũng như cuộc sống. Cùng với kĩ thuật sản xuất hàng loạt, AI cũng ngày một mạnh mẽ hơn, giúp con người có một cuộc sống tiện nghi, cũng như tiến độ làm việc tăng cao hơn nhiều. Thế nhưng, bên cạnh những lợi ích bề nổi đó, tồn tại những bất cập tưởng như chẳng biết giải quyết ra sao.
Để CHUS kể bạn nghe về những con người luôn theo đuổi chất riêng của bản thân trong đời sống và phong cách hay trong sáng tạo nghệ thuật. Họ giờ đây luôn cảm giác chênh vênh như đang lạc lối giữa thế giới tràn ngập những thứ do AI và hàng sản xuất hàng loạt tạo nên.
Tìm đâu Chất Riêng trong cuộc đua với AI & đồ sản xuất hàng loạt?
Đụng hàng là “kẻ thù” của chất riêng
Đối với Linh, ăn mặc thời trang không đơn giản là để khiến người khác thấy mình “đẹp”. Điều mà cô thực sự hướng đến khi khoác lên mình bất cứ thứ gì chính là “chất riêng” của bản thân. Linh muốn tạo một dấu ấn riêng về phong cách bản thân để mọi người nhớ đến. Thế nhưng, việc đó hiện nay chẳng mấy dễ dàng…
Cũng như nhiều người trẻ bận rộn khác, Linh thường xuyên mua sắm online vì tính tiện dụng và nhanh chóng. Tuy nhiên, càng lướt tìm mua hàng tại những gian hàng trực tuyến khác nhau, cô càng nhận ra một sự thật đi ngược với mong muốn của mình: chất riêng mà cô tìm kiếm biến mất, thay vào đó là sự đại trà.
Từng bộ đầm xinh xinh mà Linh thấy hợp ý, hoặc những mẫu phụ kiện be bé đeo lên tay hoặc cài tóc, tất cả đều có hàng nghìn, hay hàng trăm nghìn lượt mua; đồng nghĩa với việc ngoài kia cũng có hàng trăm ngàn người sử dụng những món đồ đó. “Sự đụng hàng này rõ ràng chính là kẻ thủ của chất riêng rồi”, đó là những gì Linh nghĩ.
Họa sĩ chật vật với “cơn sốt” ảnh AI
“Tranh AI toàn là tranh ăn cắp” - Phong cảm thán với sự buồn bực lộ rõ trên khuôn mặt. Giới họa sĩ từ lâu đã có ác cảm về tranh ảnh AI, và một họa sĩ digital như anh cũng không phải ngoại lệ.
Những bức ảnh AI hay tranh vẽ AI vốn dĩ được tạo nên bởi tác phẩm của chính những họa sĩ hay nhà sáng tạo nghệ thuật như Phong. Trí tuệ nhân tạo sẽ thu thập dữ liệu từ hình ảnh, sau đó tổng hợp và biến chúng thành một bức ảnh hoàn toàn mới dựa trên những lựa chọn hoặc câu lệnh mà người dùng đưa ra. Như vậy, bất kì ai cũng có thể tạo ra một bức tranh thật đẹp mà chẳng cần phải học qua trường lớp mỹ thuật nào. Chúng có thể đẹp nhưng vô hồn và không có chất riêng.
Chỉ cần một cú nhấp chuột là có thể tạo ra tranh vẽ bằng AI
Chẳng những AI sao chép các tác phẩm sẵn có, mà còn dần “cướp đi” cả công việc của những nghệ sĩ sáng tạo. Có nhiều người nghĩ rằng: họ chẳng cần bỏ ra quá nhiều tiền để có một bức tranh AI đẹp, thì cớ gì phải trả tiền cho họa sĩ để vẽ tranh, vừa đắt hơn, lại vừa tốn nhiều thời gian chờ đợi hơn?
Chính những việc đó khiến Phong cũng như giới họa sĩ hết mức phản đối tranh ảnh được tạo nên bởi trí tuệ nhân tạo. Vì vậy, dẫu biết là rất khó, nhưng trong thời điểm AI càng này càng được sử dụng nhiều, họ vẫn luôn cật lực đấu tranh với AI nhằm bảo vệ tác phẩm, cũng như công sức và chất riêng của bản thân.
Khi chất riêng của đồ thủ công bị xem nhẹ bởi đồ sản xuất hàng loạt
Niềm vui của Trang là tạo nên những chiếc túi với hình thêu thủ công tự thiết kế. Mỗi mẫu túi hay họa tiết đều mang chất riêng độc nhất: chúng là đứa con tinh thần mà Trang phải dành hàng giờ để hoàn thiện.
Nhưng giữa guồng quay cuộc sống ngày càng vội vã, người ta lại càng chọn mua những món đồ giá rẻ hơn, tất nhiên là được sản xuất hàng loạt một cách máy móc. Họ cũng cho rằng mua một món đồ thủ công có giá cao hơn như chiếc túi thêu tay của Trang thật phí phạm.
Mặc dù hiểu rõ nhu cầu mua sắm của mỗi người là khác nhau, nhiều lúc Trang vẫn thấy hơi chạnh lòng vì công sức, thời gian và cả óc sáng tạo của mình bị xem nhẹ. Vì vậy, cô vẫn thường dành thời gian suy nghĩ, tìm cách để người khác có thể trân trọng và thấu hiểu những giá trị mà cô mang lại hơn. Từng hình thêu, từng chiếc túi không chỉ chứa đựng tâm huyết của cô, mà còn giúp thể hiện chất riêng của chủ nhân món đồ.
Công cuộc tìm kiếm hương vị độc đáo trong ẩm thực
Một tín đồ ẩm thực và thích nấu ăn như Minh sẽ luôn tìm kiếm sự mới lạ và ngày càng nâng cấp hơn trong những món mình ăn hay mình nấu. Tuy nhiên, càng lúc thì Minh nhận thấy siêu thị và kể cả những gian hàng online chỉ có những món ăn và gia vị quá đỗi bình thường.
Thực chất, Minh đang đi tìm một hương vị đầy ấn tượng mà mình từng nếm được ở một nhà hàng, nơi anh từng đi du lịch qua. Món ăn ở đó vừa miệng, nhưng điều đặc biệt hơn cả khiến Minh nhớ mãi là cái thơm nồng, đầy kích thích của những hạt tiêu đen phủ trên mặt món ăn.
“Chỉ là tiêu đen thôi, nhưng sau đó mình đi nơi khác và về nhà nấu ăn thì không thể nào cảm nhận được hương vị đó. Mình cũng có tìm mua thêm tiêu ở nhiều chỗ nhưng mà chỉ hăng cay bình thường chứ không thơm và ấn tượng như vậy” - Minh kể lại. Vậy nên từ đó, anh chàng cứ luôn đi tìm loại hạt tiêu, thứ gia vị đã khiến mình nhớ mãi ấy.
Ngụp lặn tìm món quà mang đậm “chất riêng”
“Mình là cung Kim Ngưu đó” - Ngọc cười cười, giới thiệu một điều tưởng chừng không liên quan. “Kim Ngưu không giỏi bộc lộ tình cảm bằng lời nói mà là quà tặng. Kim Ngưu thích ai thì sẽ làm người kia tràn ngập trong quà luôn, từ những món nhỏ nhỏ tới quà to to đều có”.
Cô bạn hào hứng kể, rồi chợt chững lại một lúc. Ngọc chia sẻ rằng việc tìm quà đối với cô khá “nhức đầu”: Cô muốn món quà của mình thật đặc biệt và độc nhất để người nhận có thể cảm nhận được tấm lòng của mình rõ hơn, nhưng tìm đi tìm lại thì quà tặng trên thị trường đều gần như giống nhau. Tất cả đều được sản xuất hàng loạt, không hề có chất riêng chút nào.
Bảo tồn Chất Riêng giữa xu thế AI và Sản xuất hàng loạt
Bạn có thấy những mẩu chuyện trên quen không? Có khi bạn sẽ thấy mình ở đâu trong đó, hoặc thấy một người thân quen ở trong tình cảnh tương tự - chật vật tìm kiếm chất riêng của bản thân. Đó là những câu chuyện thật từ người thật, việc thật do CHUS tìm được. Những cái tên được đặt lại ngẫu nhiên thôi, nhưng những suy nghĩ và trải nghiệm trên đều xuất phát từ thực trạng AI và hàng sản xuất hàng loạt ngày càng phổ biến.
Không ai có thể phủ nhận sự tiện lợi mà trí tuệ nhân tạo AI và việc sản xuất hàng loạt mang đến: chúng tiết kiệm nhiều thời gian và chi phí. Mặc dù vậy, đó cũng là con dao hai lưỡi. Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất có lẽ là những thợ thủ công và nhà sáng tạo nghệ thuật. Ngoài ra vẫn còn nữa! Những người tiêu dùng thích thể hiện “chất riêng” thông qua phong cách và lối sống cũng gặp không ít khó khăn giữa rừng sản phẩm đại trà, được sản xuất hàng loạt theo quy mô công nghiệp.
Vì vậy, Chus luôn mong muốn làm một cầu nối để gắn kết các nghệ nhân với người tìm kiếm những giá trị riêng biệt mà họ mang lại. Nhiệm vụ của Chus chính là giúp những cá nhân thích thể hiện chất riêng như Linh và Ngọc tìm thấy các nghệ nhân và nghệ sĩ như Trang hay Phong.
Bên cạnh đó, điều quan trọng khác mà Chus cũng đang hướng đến chính là giúp mọi người có cái nhìn cởi mở hơn về những giá trị mà nghệ thuật và thủ công mang lại. Chỉ có như vậy, những công sức và trí tuệ của các nghệ nhân mới được trân trọng và đặt ở vị trí xứng đáng.