Trên bao bì những thực phẩm bạn thường ăn, hầu hết đều sẽ có nhiều hơn những điều về thông tin nhãn hàng, hương vị hay thành phần. Trong đó thường sẽ có hướng dẫn sử dụng và bảo quản, ngày sản xuất và hạn sử dụng, khuyến nghị/cảnh báo dị ứng,... Đôi khi, trên nhãn sẽ còn gợi ý kết hợp cùng những thực phẩm nào sẽ ngon hơn, hay đôi lời nhắn gửi từ nhãn hàng. Những thông tin trên được gọi chung là bảng thông tin của thực phẩm.

Vậy, ý nghĩa của những thông tin ấy là gì và việc hiểu về chúng quan trọng như thế nào? Bài viết này sẽ giúp bạn trả lời những thắc mắc đó.

Thông tin của thực phẩm có ý nghĩa gì?

Bạn có thể hiểu rằng: đó là tất cả những điều mà nhà sản xuất muốn trao gửi đến người tiêu dùng, để họ có thể trải nghiệm thực phẩm đó một cách trọn vẹn nhất. Hầu hết những thông tin đó đều được in ấn rõ ràng trên bao bì. Thông tin của thực phẩm càng quan trọng thì sẽ càng được thể hiện ở những chỗ dễ nhìn thấy nhất ví dụ như nắp hộp và mặt trước của bao bì. 

Vì sao cần đọc kỹ thông tin của thực phẩm? 

Không phải tự nhiên mà nhà sản xuất lại in ấn thông tin trên bao bì cho khách hàng đọc. Dưới đây là những lý do phổ biến để nhắc bạn rằng việc đọc và hiểu những thông tin về thực phẩm là điều hết sức quan trọng:

1. Dễ dàng kiểm soát những loại thực phẩm nạp vào cơ thể

Bảng ghi chú thành phần trong mục thông tin của thực phẩm thường sẽ là thứ đầu tiên bạn cần để ý tới nếu quan tâm đến sức khỏe, hay đang có mục đích giảm cân, tăng cân hay tăng cơ cụ thể. Bên cạnh liệt kê nguyên liệu, bạn còn có thể nắm được mỗi nguyên liệu sẽ chiếm bao nhiêu phần trăm trong món bánh, hay hộp sữa mà mình đang uống.

Nên lưu ý rằng, bảng thành phần thường được liệt kê theo thứ tự thành phần nào nhiều hơn sẽ xuất hiện trước. Có không ít loại nước ép trái cây đóng hộp gắn nhãn "nguyên chất" hay "tự nhiên" nhưng vị trí của loại trái cây đó lại xuất hiện gần cuối bảng. 

Bên cạnh thành phần/nguyên liệu, bạn còn biết được lượng calorie/ năng lượng sẽ được nạp vào cơ thể sau khi ăn, hoặc dựa trên một khối lượng nhất định (thông thường là theo các mức 100g/ 200g). 

2. Hạn chế nguy cơ dị ứng với một thành phần nhất định 

Việc đọc thành phần của hộp bánh, hay gói kẹo bạn ăn sẽ giúp hạn chế nguy cơ ăn nhầm món có thể gây dị ứng. Có không ít món ăn sẽ chứa những gia vị đặc biệt mà bạn không nghĩ rằng có, nhưng hoá ra lại là thứ dẫn đến dị ứng. 

Để hạn chế điều này, các nhà sản xuất thường sẽ in rõ dòng khuyến nghị/cảnh báo dị ứng trên bao bì; hoặc ghi chú thực phẩm đó có thể dùng cho người ăn chay được hay không. 

Ngoài ra, cũng có trường hợp món thực phẩm không có thành phần nhất định, nhưng vẫn có khả năng gây ra dị ứng bởi thành phần đó. Ví dụ, một hộp kẹo socola chỉ bao gồm socola, bơ cacao và đường lại có thể sẽ được ghi chú dòng chữ: “Có thể chứa thành phần sữa” hoặc “Có thể chứa thành phần đậu”, hay những nội dung tương tự như vậy. Nguyên nhân là do loại socola này được sản xuất trên cùng một dây chuyền có chứa sữa hoặc đậu. Nếu ai bị dị ứng nặng với hai thứ đó, tốt nhất họ không nên ăn loại socola này.

3. Nắm được khoảng thời gian được khuyến nghị để sử dụng thực phẩm

Hiểu nôm na, đây chính là ngày sản xuất - hạn sử dụng của thực phẩm - điều mà bạn nên đặc biệt lưu ý để tránh hậu quả khó lường. Đây là thông tin quan trọng nên thường sẽ được in phần nắp hộp dễ thấy hoặc ở vị trí tách biệt hẳn với thông tin khác để giúp người tiêu dùng dễ nhận biết. Bạn cùng sẽ biết được khoảng thời gian nên sử dụng để đảm bảo hương vị ngon nhất của thực phẩm. 

4. Xác nhận nơi xuất xứ của sản phẩm

Bằng việc kiểm tra nơi xuất xứ/ nơi sản xuất ở trên mục thông tin của thực phẩm ở bao bì, bạn sẽ biết được nguồn gốc của thực phẩm đó có đúng như lời nhà sản xuất nói hay không. 

Những thương hiệu lớn hay có trường hợp thuê nhân công tại các quốc gia nhỏ để giảm thiểu chi phí sản xuất, cũng như góp phần tạo cơ hội việc làm cho nhiều người. Vì thế, việc nhãn hàng từ châu Âu nhưng có ghi "Made in China" hay "Made in Vietnam" không có nghĩa rằng nhãn hàng đó không uy tín. 

Qua những lý do trên, có thể thấy rằng việc đọc và hiểu về những thông tin của thực phẩm có rất nhiều lợi ích. Bạn sẽ dễ dàng chọn lựa được loại thực phẩm mà cơ thể mình cần, từ đó sẽ kiểm soát cân nặng, vóc dáng và cơ thể hơn, cũng như né tránh được những nguy cơ gây hại từ tác nhân gây dị ứng. Không chỉ giúp tốt cho bản thân, thói quen đọc thông tin thực phẩm còn giúp bạn chăm sóc sức khỏe mọi thành viên trong gia đình một cách trọn vẹn.