- 3 20, 2023
Cách Khắc Phục Mặc Cảm Tội Lỗi
Cảm giác tội lỗi, hối hận về một hành động nào đó của mình trong quá khứ sẽ tồn tại trong một thời gian dài nếu không có cách đối phó với nó. Dần dà, cảm giác đó nhiều khả năng gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần và là sức khoẻ. Vì vậy, việc phải tìm cách giúp xoa dịu cảm giác này sẽ là rất cần thiết cho công cuộc chữa lành chính mình, cũng như giải thoát bạn khỏi những hậu quả tiêu cực về sau.
Tìm ra nguồn cơn của mặc cảm tội lỗi
Điều tối quan trọng để mặc cảm tội lỗi vơi đi bớt chính là tìm ra nguồn cơn thật sự của mặc cảm tội lỗi đó. Đó có thể là một trải nghiệm tồi tệ mà bạn vô tình gây ra, hoặc những hệ luỵ kéo theo sau sai lầm của mình tệ hơn bạn nghĩ, làm ảnh hưởng đến cả một nhóm người hay đoàn thể.
Chỉ có tìm ra nguồn cơn của mặc cảm tội lỗi đó, rằng bạn đã làm sai điều gì thì mới có thể nghĩ ra cách giải quyết điểm. Quá trình này có thể mất thời gian và công sức vì không phải ai cũng đủ dũng khí hay lý trí để nhìn thẳng vào vấn đề. Tuy nhiên "Nhổ cỏ phải nhổ tận gốc", chỉ có hiểu rõ lỗi lầm của mình thì mới giải quyết được mặc cảm tội lỗi đó.
Đổi mới không gian xung quanh
Cảm giác tội lỗi là kiểu cảm giác nhiều khả năng cứ mãi vướng trong lòng ngay cả khi bạn đã giải quyết xong vấn đề. Chẳng hạn, bạn làm vỡ chiếc bình hoa yêu thích của mẹ, và mặc dù mẹ đã tha lỗi nhưng bạn vẫn cứ day dứt về nó. Hiếm khi cảm giác này sẽ vơi đi trong thời gian ngắn, nhất là trong trường hợp hậu quả mà bạn gây ra là nghiêm trọng.
Trong giai đoạn này, việc thay đổi không gian sống một chút sẽ là một lựa chọn lý tưởng và hiệu quả giúp bạn làm mới tâm hồn, từ đó phần nào xoa dịu những vướng bận còn tồn đọng.
Hãy thử thay đổi cách bài trí phòng ngủ, thay đổi cách sắp xếp trên bàn làm việc hay kệ sách - miễn đó là không gian thân thuộc với bạn. Nếu có điều kiện, hãy lên kế hoạch cho một chuyến du lịch ngắn ngày để thư giãn và nhấn nút "F5" cho bản thân cả về tinh thần lẫn thể chất. Việc thay đổi không gian như vậy sẽ là một cách "đánh lừa" tâm trí tích cực để bạn thoát ra khỏi mặc cảm tội lỗi còn vướng lại.
Trở nên “bận rộn” để mất tập trung vào mặc cảm tội lỗi
Một cách giúp bạn vơi bớt cảm xúc tiêu cực trong lòng chính là tìm ra thứ khiến bản thân bị mất tập trung, từ đó sẽ không còn thời gian nghĩ đến những điều buồn bã nữa. Bạn có thể khiến cho mình bận rộn hơn, chẳng hạn như đọc sách, tập thể thao hay học ngoại ngữ mới để lấp vào khoảng thời gian tự dằn vặt khi ở nhà.
Ngoài ra, bạn cũng có thể thử tham gia những hoạt động từ thiện, tình nguyện cho cộng đồng ở khu vực sống, hoặc của trường học hay đơn vị hợp tác. "Cho đi" là một dạng cảm xúc có thể khiến người ta thanh thản, từ đó phần nào xoa dịu đi những nỗi niềm lòng và mặc cảm. Có câu "Cho đi cũng chính là để nhận lại", và yêu thương cho đi là yêu thương hai chiều. Tham gia vào những hoạt động giúp đỡ những người cần nó sẽ phần nào giúp bạn nhận ra giá trị của mình, khả năng của mình từ đó vơi đi mặc cảm tội lỗi còn tích tụ. Xoa dịu cho người khác cũng sẽ giúp xoa dịu chính mình.
Chân thành xin lỗi người bị ảnh hưởng
Khi bạn vô tình phạm lỗi, chắc chắn sẽ có những cá nhân cụ thể bị ảnh hưởng. Vì vậy, hãy chân thành xin lỗi những người bị ảnh hưởng đó bằng tất cả lòng mình. Hãy cho họ biết rằng hơn ai hết, bạn là người hiểu việc bạn làm đã tổn thương họ như thế nào. Đừng vòng vo giải thích hay ngập ngừng mãi chẳng nói ra được, vì điều bạn đang cần là thể hiện được sự chân thành của bản thân. "Không ai đánh kẻ chạy lại" nên khi bạn khiến họ nhận thấy sự thành tâm trong lời xin lỗi, họ có thể chưa tha thứ ngay nhưng họ sẽ hiểu. Khi lời xin lỗi chân thành được thốt ra cũng chính là lúc bạn cho đối phương và cả bản thân mình được bình thản.
Tôn trọng cảm xúc của bản thân
Sự hối lỗi là cảm giác ai cũng sẽ có lần trải qua, vì nó thuộc về phương diện bản năng sau khi gây ra lỗi lầm. Hãy tôn trọng cảm xúc đó và cho phép bản thân mình được "tự trách" nhưng đừng quá lâu. Vì như đã nói ở trên, mặc cảm tội lỗi trong thời gian dài dễ kéo theo nhiều hệ luỵ khó kiểm soát về mặt sức khỏe thể chất và tinh thần.
Hối lỗi là để bạn học cách giải quyết những sai lầm của bản thân; để biết cách xin lỗi chân thành và cũng là để rút kinh nghiệm, trau dồi vốn sống cho mình. Điều quan trọng nhất trong công cuộc hồi phục bản thân chính là phải tôn trọng cảm xúc của mình và thành thật với nó. Chỉ có đối diện thực tế bằng sự thành thật thì bạn mới có thể tìm thấy sự bình yên trong lòng.
Lời kết
Về cơ bản, mặc cảm tội lỗi mang tính tích cực vì nó phản ánh phần "người" của một cá nhân. Có cảm thấy tội lỗi thì mới có sự đồng cảm, sẻ chia và tạo cơ hội cho những thay đổi tích cực được sản sinh. Tùy theo cách mà mỗi người đón nhận, mà cảm xúc tiêu cực hoàn toàn có thể mang đến lợi ích cho sự phát triển bản thân. Hãy thành thật với chính mình để biến mặc cảm tội lỗi thành bài học cuộc sống đầy ý nghĩa thay vì liều thuốc độc kéo tinh thần đi xuống.