Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là một trong những ngày lễ quan trọng nhất của dân tộc Việt Nam. Vậy bạn đã biết nguồn gốc, ý nghĩa lịch sử và những hoạt động đặc sắc trong ngày lễ này chưa? Hãy cùng Chus tìm hiểu về ngày Giỗ Tổ Hùng Vương nhé!

Giỗ Tổ Hùng Vương là gì?

Hàng năm, hàng triệu người tụ họp về Đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh để tưởng nhớ tổ tiên và cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Không khí trang nghiêm mà gần gũi, nơi dòng người từ khắp mọi miền đất nước cùng hướng về một cội nguồn.

du khách thắp hương tại Đền Hùng 

Du khách thắp hương tại đền Hùng (Ảnh: Sưu tầm)

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày lễ quan trọng đại diện cho tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương diễn ra vào ngày 10 tháng 3 âm lịch hằng năm, tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng tại thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Quần thể di tích này bao gồm Đền Thượng, Trung, Hạ, Đền Âu Cơ, Lăng mộ Vua Hùng, v.v.. - nơi lưu giữ dấu ấn lịch sử hàng ngàn năm của người Việt.

Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2025 là ngày nào, có được nghỉ không?

Theo lịch âm, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (mùng 10 tháng 3 âm lịch) năm 2025 rơi vào thứ Hai, ngày 7/4/2025 dương lịch.

Người lao động sẽ được nghỉ làm và hưởng nguyên lương trong ngày lễ này. Vì rơi vào đầu tuần, Giỗ Tổ Hùng Vương 2025 không trùng vào ngày nghỉ cuối tuần, do đó không có chế độ nghỉ bù

Nguồn gốc ngày Giỗ Tổ Hùng Vương

Nguồn gốc của Giỗ Tổ Hùng Vương bắt nguồn từ truyền thuyết khai sinh dân tộc Việt. Tương truyền, Lạc Long Quân lấy Âu Cơ sinh ra 100 người con. Sau đó 50 người theo cha xuống biển, 50 người theo mẹ lên núi. Người con cả được truyền ngôi lấy hiệu là Hùng Vương, lập nên nhà nước Văn Lang cổ đại. Không chỉ là vị vua lập quốc, Hùng Vương còn được xem là thần tổ gắn với nghề nông, dạy dân cày cấy, ban linh khí cho đất đai, nhà cửa, cây trồng vật nuôi.

Đền Hạ-tương truyền là nơi Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng 

Khuôn viên đền Hạ - tương truyền là nơi Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng (Ảnh: Sưu tầm)

Dấu tích lịch sử cho thấy ngày Giỗ Tổ đã xuất hiện từ rất sớm trong sơ khai lịch sử Việt Nam. Văn bia cổ ở Đền Thượng, Phú Thọ đã ghi lại rằng Thục Phán An Dương Vương vì cảm kích được Hùng Vương nhường ngôi, nên sau khi Hùng Vương qua đời, An Dương Vương đã dựng đền thờ trên núi Nghĩa Lĩnh - khởi đầu cho tín ngưỡng thờ cúng này.

Trải qua nhiều triều đại, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ngày càng được chính thống hóa. Từ thời Hậu Lê, việc quản lý Đền Hùng được giao cho dân địa phương trông nom, cúng bái. Bù lại họ được miễn nộp thuế 500 mẫu ruộng và miễn sưu dịch. Đến thời vua Lê Thánh Tông, hội Đền Hùng được “gia ban quốc tế”, tế lễ có quan đầu trấn thay mặt triều đình chủ trì. Năm 1470 dưới triều vua Lê Thánh Tông và năm 1601 dưới triều vua Lê Kính Tông, triều đình đã đóng dấu kiềm tại đền Hùng, chọn ngày 11 và 12 tháng 3 âm lịch làm ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.  

Bước sang triều Nguyễn, dưới thời vua Khải Định, ngày 10 tháng 3 âm lịch được chính thức chọn làm ngày lễ chính Giỗ Tổ Hùng Vương, với nghi thức tế lễ trang nghiêm. Trong thời đại hiện đại, chính phủ Việt Nam đã chính thức công nhận đây là ngày Quốc Giỗ của dân tộc qua Nghị định số 82/2001/NĐ-CP ban hành ngày 6/1/2001.

Ý nghĩa ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 

Với người dân Việt Nam, Giỗ Tổ Hùng Vương là dịp tưởng nhớ công ơn của các Vua Hùng, tôn vinh văn hóa “Uống nước nhớ nguồn”. Không chỉ là một ngày tưởng niệm, đó còn là dấu ấn văn hóa sâu sắc trong đời sống tinh thần người Việt. Truyền thống này thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc; nhắc nhở về nguồn cội đất nước, bản sắc văn hóa và tâm thức đạo đức Việt Nam. 

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên luôn là động lực nội sinh mạnh mẽ trong văn hóa dân tộc, góp phần kết nối tâm thức con người và hun đúc lòng tự hào. Giỗ Tổ Hùng Vương là một thực hành văn hóa sáng tạo, được vun đắp và lưu truyền qua nhiều thế hệ, duy trì và bảo tồn những giá trị cốt lõi của dân tộc Việt Nam trong dòng chảy của thời gian.

Các hoạt động truyền thống ngày Giỗ Tổ Hùng Vương

nghi thức rước kiệu trong lễ hội đền Hùng 

Lễ rước kiệu trong lễ hội Đền Hùng (Ảnh: Sưu tầm)

Lễ hội Đền Hùng nhân ngày Giỗ Tổ thường diễn ra trong 10 ngày, kết thúc vào ngày 10/3 âm lịch. Gồm hai phần: phần lễ và phần hội. 

1. Phần lễ bao gồm các nghi thức trang nghiêm:

  • Lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và Dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ; 
  • Lễ giỗ tổ Hùng Vương và Dâng hoa tại bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với Đại đoàn quân tiên phong”;
  • Lễ dâng hương tưởng niệm các vua Hùng của các huyện, thành thị và cộng đồng.

2. Phần hội với những hoạt động văn hóa đặc sắc:

Phần hội được tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch đặc sắc như: hội thi nấu bánh chưng, bánh giầy; trình diễn hát xoan làng cổ; giải bơi chải, bóng đá, bóng chuyền; hoạt động bắn pháo hoa, v.v… Đồng thời tổ chức Hội trại văn hóa nhằm trưng bày, quảng bá các sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại

Một cột mốc quan trọng là từ ngày 6/12/2012, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và chính thức ghi nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây không chỉ là niềm tự hào của Việt Nam mà còn là sự công nhận quốc tế về giá trị nhân văn của tín ngưỡng này.

Trong hồ sơ đề trình lên UNESCO, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được đánh giá cao về giá trị thể hiện lòng tôn kính đối với tổ tiên. Đặc biệt đáp ứng tiêu chí quan trọng: ‘di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị đó’.

Bắt nguồn từ vùng đất cổ Phú Thọ, tín ngưỡng này đã dần lan rộng khắp cả nước. Hiện nay, có hơn 1.410 di chỉ thờ Hùng Vương trải khắp các vùng miền trên cả nước từ Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Nghệ An, Huế, Lâm Đồng, Bình Phước, TP.Hồ Chí Minh,… cho đến Cần Thơ, Kiên Giang, v.v.. Ngày Giỗ Tổ đã chính thành lễ hội toàn quốc với tâm điểm là Phú Thọ - nơi có hơn 340 di tích gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng. 

khuôn viên Đền từ trên cao

Khuôn viên Đền Hùng từ trên cao

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương như lời khẳng định người Việt có chung một nguồn gốc, dệt nên niềm tin tâm linh mạnh mẽ, tạo thành truyền thống gắn bó đoàn kết của người Việt. Thờ cúng Hùng Vương là một biểu tượng văn hóa-tín ngưỡng mang tính lịch sử, là cầu nối quá khứ với hiện tại, nuôi dưỡng mối liên hệ gia đình, làng xã và dân tộc. 

Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương có cần tặng quà không?

Không giống như các dịp lễ khác, Giỗ Tổ Hùng Vương không phải là ngày tặng quà giữa bạn bè hay người thân. Đây là dịp mang tính chất tưởng nhớ và tri ân, không phải là ngày trao đổi quà tặng cá nhân. Thay vào đó, mọi người thường bày tỏ lòng thành kính bằng cách tham gia các hoạt động dâng hương hoặc tổ chức nghi lễ tưởng niệm.

Tùy theo phong tục của từng gia đình và vùng miền, nhiều người vẫn bày biện mâm cỗ cúng tại nhà để thể hiện lòng thành với tổ tiên và các Vua Hùng. Mâm cúng thường có bánh chưng, bánh dày – hai loại bánh gắn liền với truyền thuyết thời Hùng Vương, cùng các món ăn truyền thống như gà luộc, xôi, hoa quả.

Ngoài ra, nhiều người cũng chọn hành hương về Đền Hùng (Phú Thọ) để dâng hương, tham gia các hoạt động tưởng niệm và cầu mong quốc thái dân an.

Kết

Trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, việc gìn giữ và phát huy giá trị của ngày Giỗ Tổ Hùng Vương mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nó không chỉ khẳng định bản sắc văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế, mà còn giúp thế hệ trẻ hiểu sâu sắc hơn về những giá trị truyền thống đã được giữ gìn qua hàng ngàn năm lịch sử.

“Dù ai đi ngược về xuôi,

Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba"

Câu ca dao này vẫn luôn đồng hành cùng mỗi người Việt, nhắc nhở CHUS và bạn rằng xã hội có phát triển đến đâu, dù cuộc sống hiện đại có nhiều thay đổi, chúng ta vẫn luôn có một gốc rễ vững chắc để trở về.

Khám phá thêm những bài viết về văn hóa và quà tặng truyền thống Việt Nam tại CHUS!