- 6 10, 2024
Khám phá nét đẹp truyền thống của gốm Lái Thiêu
Gốm sứ Việt Nam từ lâu đã trở thành biểu tượng của sự khéo léo, tinh tế và truyền thống văn hóa sâu sắc. Trong đó, gốm Lái Thiêu nổi bật như một viên ngọc quý, không chỉ trong lòng người dân Việt Nam mà còn được biết đến rộng rãi trên thế giới. Với lịch sử hình thành từ những năm 1860, gốm Lái Thiêu đã trải qua hơn 150 năm phát triển và trở thành một trong những trung tâm gốm sứ quan trọng của vùng Nam Bộ. Với sức hút không chỉ từ nét đẹp truyền thống mà còn từ sự sáng tạo của nghệ nhân, gốm Lái Thiêu không ngừng thu hút sự quan tâm và tìm kiếm của những người yêu nghệ thuật. Hãy cùng CHUS khám phá vẻ đẹp độc đáo của dòng gốm này.
Lịch sử hình thành và phát triển gốm Lái Thiêu
Từ thế kỷ 18, đất Bình Dương đã là nơi xuất hiện các lò gốm bản địa, đánh dấu sự khởi đầu của ngành công nghiệp gốm truyền thống. Đến cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, với sự đóng góp của các thợ gốm từ lò gốm Cây Mai - Sài Gòn, được thúc đẩy bởi nguồn nguyên liệu đất sét dồi dào và đa dạng, cùng với sự thuận tiện của hệ thống giao thông bao gồm đường bộ và cảng sông Bà Lụa, gốm Bình Dương bắt đầu phát triển ngày mạnh mẽ hơn.
Nghề làm gốm giai đoạn này thu hút nhiều thợ vẽ và thợ xoay tài năng từ các vùng lân cận như Sài Gòn, Biên Hòa. Sự hội tụ của nhân lực lao động và nguồn nguyên liệu đã tạo điều kiện thuận lợi cho ngành công nghiệp gốm Lái Thiêu phát triển hưng thịnh đặc biệt vào những năm từ 1930 đến 1970.
Gốm Lái Thiêu bao gồm nhiều dòng sản phẩm khác nhau với các phong cách tạo hình, lối vẽ và lối chấm men đa dạng. Mặc dù có sự khác biệt về tên lò và phong cách sản xuất, nhưng khi xuất hiện trên thị trường, dân gian thường gọi tất cả là gốm Lái Thiêu. Lý do cho việc này là do các lò gốm thường tập trung tại Lái Thiêu, và cảng Bà Lụa là nơi tập kết hàng trước khi phân phối ra khắp Nam Kỳ Lục tỉnh và thậm chí xuất khẩu sang Cao Miên, Lào, Indonesia, Philippines... Do đó, người dân ở vùng Nam bộ thường gọi mọi sản phẩm gốm có nguồn gốc từ Lái Thiêu, đặc biệt là tại cảng Bà Lụa, với cái tên quen thuộc "gốm Lái Thiêu".
Đặc trưng của gốm Lái Thiêu
Khác với nhiều làng gốm khác, gốm Lái Thiêu tập trung vào sản xuất các sản phẩm gốm gia dụng và thường dùng trong sinh hoạt hàng ngày. Các sản phẩm của làng gốm này không chỉ đẹp mắt mà còn dễ sử dụng, nhanh chóng chiếm được cảm tình của người tiêu dùng. Gốm Lái Thiêu kết hợp hài hòa giữa tính tiện ích và hiệu quả thẩm mỹ, tạo nên các dòng sản phẩm đa dạng về chủng loại, phong phú về hình dáng, và tinh tế trong bố cục, nội dung trang trí. Họa tiết trên gốm thường lấy cảm hứng từ cuộc sống thôn quê và các tác phẩm mỹ thuật truyền thống, mang đến vẻ đẹp mỹ miều và sống động. Những nét chạm khắc chìm nổi của mây trời, hoa lá như bung nở trong lòng gốm mỹ miều.
Mẫu đồ gốm với các đặc trưng tiêu biểu của phong cách gốm Lái Thiêu
Các trường phái gốm sứ Lái Thiêu
Gốm Lái Thiêu là tên gọi chung, được phân thành ba dòng rõ rệt: Gốm Quảng, gốm Tiều (Triều Châu), và gốm Phước Kiến.
1. Gốm Quảng
Gốm Quảng chuyên trang trí đình chùa và đồ đặt sân vườn. Sản phẩm của dòng gốm này có nét thô mộc, xù xì dưới lớp tráng men, tạo nên vẻ đẹp giản dị và gần gũi. Một đặc trưng của gốm Quảng là các sản phẩm được dội men, nung lò củi, tạo nên những hỏa biến kỳ lạ và đầy ngẫu hứng.
Gốm Quảng cùng đặc điểm là màu sắc nổi bật
2. Gốm Tiều (Triều Châu)
Gốm Tiều chuyên sản xuất đồ dùng nhà bếp, gia dụng và trang trí. Sản phẩm của gốm Tiều có cốt gốm láng mịn, nét vẽ tinh tế, tạo nên vẻ đẹp mượt mà và lả lướt. Các nghệ nhân gốm Tiều thường sử dụng men xanh trắng hoặc men ngũ sắc để trang trí, với những đề tài quen thuộc như con gà, cây chuối, tạo nên sản phẩm vừa đẹp mắt vừa gần gũi.
Gốm Tiều (Triều Châu) nổi bật với hai sắc xanh trắng
3. Gốm Phước Kiến
Gốm Phước Kiến tập trung vào các sản phẩm dùng để chứa đựng, kích cỡ lớn và nặng. Màu men chủ đạo là đen, nâu, vàng đậm da bò, và vàng ửng da lươn. Các sản phẩm phổ biến bao gồm đèn dầu, lu, hũ, chóe rượu, lu đựng nước. Gốm Phước Kiến mang vẻ đẹp mộc mạc, dân dã, với các nét vẽ chân phương trên chén, đĩa, vịm...
Gốm Phước Kiến mang vẻ đẹp mộc mạc nhưng không kém phần tinh xảo
Nghệ thuật và truyền thống
Gốm Lái Thiêu không chỉ nổi bật bởi sự đa dạng về sản phẩm mà còn ở nghệ thuật chế tác tỉ mỉ và truyền thống lâu đời. Các nghệ nhân làng gốm đã duy trì nghề từ thế hệ này sang thế hệ khác, mỗi món đồ gốm đều được trau chuốt, tỉ mỉ bởi những đôi bàn tay khéo léo của các người thợ. Họ gửi gắm vào sản phẩm của mình những nét đẹp truyền thống, những câu chuyện cuộc sống và tình yêu với nghề.
Một điểm đặc biệt nữa là nhiều gia đình ở Lái Thiêu đã kế thừa nghề gốm từ 4 đến 5 đời, tiếp tục giữ lửa cho nghề truyền thống này. Những nghệ nhân gốm Lái Thiêu không chỉ làm nghề vì mưu sinh, mà còn vì tình yêu và lòng đam mê với nghệ thuật gốm sứ. Họ không ngừng sáng tạo và phát triển, mang đến những sản phẩm gốm độc đáo và chất lượng cao.
Một trong những công đoạn làm gốm của nghệ nhân tại làng gốm Lái Thiêu
Sự đa dạng và phong phú
Gốm Lái Thiêu nổi tiếng với sự đa dạng về sản phẩm, từ heo đất, chậu, bình, bát… cho đến các đồ dùng gia dụng khác. Mỗi sản phẩm đều mang đậm nét đẹp dân gian và hội họa, tạo nên sức hấp dẫn riêng biệt. Gốm Lái Thiêu không chỉ hiện diện trong các gia đình Nam Bộ mà còn được xuất khẩu sang nhiều quốc gia như Lào, Indonesia, Philippines… Góp phần đưa thương hiệu gốm Việt Nam vươn xa ra thế giới.
Những sản phẩm gốm Lái Thiêu có màu sắc và thiết kế vô cùng đa dạng, theo nhiều phong cách khác nhau
Thách thức và cơ hội
Những năm gần đây, quá trình đô thị hóa đã có nhiều người làng gốm phải đi làm thuê trong các nhà máy hoặc chuyển sang buôn bán để cuộc sống ổn định hơn, nên gốm Lái Thiêu cũng phần nào mai một dần. Dẫu vậy, may mắn vẫn còn những người, những hộ yêu nghề với nỗ lực vực dậy ngọn lửa làng nghề truyền thống. Vì lẽ đó mà hiện nay tại Lái Thiêu còn những gia đình vẫn tiếp tục duy trì sản xuất với sản phẩm chủ yếu chính là heo đất, chậu, một vài loại bình, bát, và mong chờ một ngày cái nghề “tay lấm đất” sẽ trở lại thời phồn vinh.
Bên cạnh khó khăn, đâu đó vẫn có nhiều cơ hội để làng gốm Lái Thiêu phát triển
Tạm kết
Trải qua bao biến cố thăng trầm, nghề gốm Lái Thiêu vẫn giữ được nét đẹp truyền thống, vẫn giữ được những sắc thái riêng của mình trong quá trình tồn tại và phát triển đến ngày hôm nay. Với những nét đặc trưng riêng, gốm Lái Thiêu đã làm nên danh tiếng của một làng nghề thuộc vùng Nam Bộ, một làng nghề đầy tên tuổi của thời xa xưa nhưng vẫn vẹn nguyên cho đến thực tại.
Gốm sứ Việt Nam nói chung không chỉ là biểu tượng của sự khéo léo và tinh tế mà còn là di sản văn hóa quý báu. Gốm Lái Thiêu hiện nay tuy đang đứng trước nhiều thách thức nhưng cũng đầy cơ hội. Sản phẩm gốm không chỉ phục vụ nhu cầu sử dụng mà còn mang tính nghệ thuật cao, trở thành những tác phẩm độc đáo và có giá trị. Sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, sáng tạo trong thiết kế và kỹ thuật sản xuất sẽ là động lực mạnh mẽ cho Gốm Lái Thiêu. Với hơn 150 năm lịch sử, gốm Lái Thiêu đã và đang khẳng định vị thế của mình trên thị trường gốm sứ trong và ngoài nước. Qua bài viết này, CHUS hy vọng bạn đã có thêm những thông tin bổ ích và thú vị về gốm sứ Lái Thiêu.
Bạn có thể khám phá thêm nhiều thương hiệu và các tác phẩm gốm đặc sắc đến từ các thương hiệu gốm Việt Nam uy tín và tinh xảo ngay tại danh lục "Đồ Gốm" trên CHUS. Ngoài ra để tìm hiểu thêm nhiều các bài viết, thông tin bổ ích về văn hóa và nghệ thuật gốm sứ đặc sắc của Việt Nam tại CHUS nhé, đừng quên theo dõi thường xuyên chuyên mục CHUS Blogs nhé.