- 9 12, 2022
Vẻ Đẹp Huyền Ảo Của Gốm Sứ Men Hoả Biến
Nguồn gốc của gốm sứ Việt Nam
Nghệ thuật làm gốm đã xuất hiện từ lâu tại Việt Nam, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Thậm chí có nhiều truyền thuyết về sự ra đời của đồ gốm trên đất Việt. Theo đó, sự xuất hiện của chất liệu này thường gắn liền với những gì bí hiểm và linh thiêng.
“Đồ gốm, sứ là loại chất bột nằm sâu trong lòng đất, ở những nơi linh thiêng có ma quỷ canh giữ. Muốn khai thác được phải chọn ngày lành tháng tốt. Lên tới mặt đất, nhờ ánh sáng chói lọi của mặt trời soi rọi chất bột đó mới biến thành gốm, sứ...”
(Trích sách Nghề cổ đất Việt, NXB Văn Hoá Thông Tin 2007)
Truyền thuyết trên vốn được lưu truyền nhau để làm tăng tính ly kỳ của kỹ nghệ làm gốm sứ; cũng như giúp nhấn mạnh sự cao quý của chất liệu này.
Thực tế, đồ gốm Việt Nam ra đời từ sơ kỳ thời đại Đá mới thuộc văn hoá Hòa Bình - Bắc Sơn (khoảng 6000-7000 năm về trước). Trong suốt chiều dài lịch sử từ lúc ra đời đến nay, nghề làm gốm không ngừng chuyển mình với sự ra đời của nhiều kỹ thuật, hoạ tiết mới mang đặc trưng văn hoá từ nhiều nơi khác nhau.
Nhờ sự đa dạng đó mà ngày càng có nhiều món đồ gốm đặc sắc hơn được tạo nên. Trong đó nổi bật phải kể đến kỹ thuật tráng men hoả biến – một kỹ thuật làm gốm giúp tạo nên những đường vân biến ảo và tinh tế.
Tinh hoa nghề gốm cô đọng trong kỹ thuật tráng men hoả biến
Men hoả biến là kỹ thuật tráng men sử dụng kết hợp ba yếu tố chính là oxit sắt, titan và nhiệt độ. Kỹ thuật phức tạp này tạo ra những đường vân uốn lượn tựa như chuyển động của ánh lửa trên bề mặt sản phẩm. Tuỳ theo tay nghề của người làm và nhiệt độ lửa khi nung, mà màu sắc và đường vân của sản phẩm khi hoàn thiện sẽ biến hoá đầy độc đáo. Chính nhờ đặc điểm này mà men hoả biến được nhận định là chất liệu cô đọng tinh hoa của nghệ thuật gốm sứ nước nhà, thể hiện qua sự tinh xảo trong kỹ thuật thủ công và sự sáng tạo khi tạo hình.
Qua đó, từng màu sắc và hoạ tiết trên gốm đều khác biệt một cách tự nhiên, không bao giờ giống nhau 100%. Tính độc bản này giúp men hoả biến ngày càng được yêu thích và được ứng dụng cho nhiều mục đích khác nhau.
Để tạo ra những mẫu men hoả biến chất lượng cao cần đến bàn tay khéo léo của những nghệ nhân tài hoa. Tiếp đến là sử dụng nhiệt độ cao trên 1300 độ C để nung giúp loại bỏ tạp chất bị lẫn. Đây là một quá trình đòi hỏi sự tỉ mỉ và tinh xảo đến từng chi tiết nhỏ để loại bỏ bọt khí, tạo độ bóng và đường vân uốn lượn trên bề mặt men.
Ngoài ra, nhiệt độ cao là một trong những yếu tố tiên quyết để tạo hình nên một sản phẩm men hoả biến chất lượng cao. Điều này không chỉ thỏa mãn yêu cầu về mặt thẩm mỹ mà còn giúp sản phẩm an toàn hơn với sức khỏe người tiêu dùng.
Men hoả biến góp phần phổ biến nét đẹp của nghề làm gốm truyền thống
Trên thực tế, kỹ thuật tráng men hoả biến đã có từ thế kỷ 19, nhưng theo dòng chảy thời gian cùng những biến cố trong lịch sử mà kỹ thuật này bị mai một dần. Tuy nhiên, để làm sống lại nghệ thuật tráng men độc đáo này, nhiều làng gốm cổ truyền cũng như các xưởng gốm tại Việt Nam đã bắt đầu nghiên cứu và tiến hành làm các sản phẩm gốm tráng men hoả biến. Họ mong muốn thông qua các sản phẩm này, nét đẹp của gốm sứ truyền thống sẽ được nhiều người biết đến và trân trọng hơn.
Ứng dụng của men hoả biến trong đời sống hằng ngày
Đồ gốm sứ nói chung có thể sử dụng hầu hết trong các hoạt động hàng ngày như làm đồ dùng nhà bếp, trang trí hay cải thiện phong thuỷ,... Và với sản phẩm gốm sứ men hoả biến, chúng còn được mở rộng qua mục đích trang trí và sưu tầm. Đặc biệt những mẫu có màu sắc độc đáo và hoạ tiết phức tạp lại càng được ưa chuộng.
Chính nhờ vẻ đẹp biến ảo đó, những vật dụng bằng men hoả biến trở nên nổi bật nhưng không hề khoa trương. Vẻ ngoài độc mộc, đơn thuần của gốm sứ giờ đây trở nên bóng bẩy và tinh xảo hơn. Nói cách khác, men hoả biến chính là sự giao thoa giữa tinh hoa trong kỹ thuật thủ công truyền thống và sự đổi mới đầy sáng tạo.
Khám phá nhiều sản phẩm gốm men hoả biến độc đáo được làm hoàn toàn thủ công bởi những nghệ nhân Việt!