Sau mỗi khi dành hết tâm trí làm việc hay chạy theo một dự án "khủng", bạn hay bị "hết pin" hay "chết não" - một danh từ mô tả trạng thái mà cả tâm trí lẫn cơ thể đều từ chối tiếp nhận hay xử lý bất kỳ thông tin nào. Đó chính là tình trạng kiệt sức trong công việc, hay còn gọi là “burnout”. Tình trạng này nếu kéo dài lâu dễ khiến bạn gặp khó khăn khi quay lại guồng công việc hằng ngày, từ đó làm ảnh hưởng năng suất cũng như hiệu quả công việc vốn quen thuộc. Chắc chắn bạn sẽ không muốn việc đó xảy ra đâu, nhỉ?

Vậy, nếu thật sự chẳng biết làm sao để kéo bản thân ra khỏi sự ngột ngạt và trì trệ đó, hãy note lại ngay những bí quyết mà CHUS mách nước đây!

Đóng laptop lại - vì đây là một phần nguồn cơn của sự kiệt sức trong công việc!

Chắc chắn bí quyết đầu tiên, đơn giản và tối ưu nhất để hồi phục khỏi cơn kiệt sức trong công việc chính là đóng chiếc laptop đã chinh chiến suốt một thời gian dài lại, và nghỉ ngơi đi! 

Một điều khiến cho việc kiệt sức trong công việc kéo dài hơn bình thường rất có thể đến từ việc bạn vẫn chưa hoàn toàn dừng làm việc. Dự án đã đóng nhưng bạn vẫn mãi lo tính toán, đo lường những chỉ số. Đến cả bữa ăn cũng không trọn vẹn vì bạn cứ chốc chốc lại kiểm tra công việc, check mail thì làm sao có thể hồi phục lại đây? Thậm chí ngay cả khi bản thân không nhận ra mình đang bị hết năng lượng, nhưng não và cả tay chân đều đã muốn đình công từ lâu. 

Hãy lắng nghe cơ thể mình và hiểu rằng hơn ai hết, chính mình mới cần được nghỉ ngơi đúng cách sau một dự án căng thẳng. Nghỉ ngơi đúng lúc, đúng cách mới là chìa khóa vàng cho việc phục hồi trạng thái cân bằng vốn có và sẵn sàng chinh chiến tiếp cho những cơ hội lớn hơn trong tương lai. Và để làm được điều đó, thì hãy mau đóng chiếc laptop của mình lại đi!

Tạm xa mạng xã hội và thiết bị điện tử 

Tình trạng "kiệt sức trong công việc" còn có thể bị ảnh hưởng bởi những yếu tố bên ngoài ví dụ như tin tức tiêu cực trên mạng xã hội, hay ánh sáng xanh công nghiệp từ màn hình điện thoại, máy tính. Nếu đã làm được bước "Đóng laptop" phía trên được thì hãy cách ly bản thân với những thiết bị điện tử nhé. Việc này không chỉ cho phép bạn nghỉ ngơi về mặt tinh thần mà còn là điều kiện để mắt được nghỉ xả hơi, từ đó điều tiết tốt hơn sau khi bạn đã dành hàng giờ, hàng ngày trời nhìn vào màn hình.  

Tìm đến những phương pháp giải trí truyền thống 

Đọc sách, đọc truyện là một cách hay ho vừa giúp giải tỏa căng thẳng, vừa trau dồi thêm kiến thức cho bản thân dễ dàng, giúp xoa dịu trạng thái kiệt sức trong công việc. Vì cốt lõi của việc đọc lần này là để giải trí, nên bạn cũng không cần một cuốn sách quá nặng nề về mặt nội dung. Sách ảnh, tuyển tập truyện ngắn hay truyện tranh đều là những lựa chọn tuyệt vời để bạn làm mới bộ não mình theo một hình thức khác với bình thường. 

Nếu là người có một chút thiên bẩm về nghệ thuật, hãy thử vẽ tranh hay tham gia những workshop đồ dùng thủ công. Tự tạo ra một tác phẩm nghệ thuật của riêng mình sẽ mang đến cảm giác thành tựu, giúp bạn tin vào bản thân mình hơn và thêm yêu thương chính mình. Từ đó, quá trình khôi phục trạng thái cân bằng và thoát khỏi tình trạng kiệt sức trong công việc cũng sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều.

Burnout, Reading books, Kiệt sức trong công việc, đọc sách

Đi du lịch ngắn ngày 

Chẳng gì có hiệu quả ngay lập tức cho cơn kiệt sức trong công việc như một chuyến du lịch đến nơi bạn luôn muốn đến, hay một địa điểm luôn mang lại cảm giác yên bình cho bạn. Nếu không có thời gian để đi nhiều thì chuyến du lịch trong 1-2 ngày cũng là đủ để bạn được giải toả tâm trạng, thoát ra khỏi những bí bách trong suốt khoảng thời gian làm việc cật lực vừa qua. Cảm giác thức dậy ở một không gian mới lạ, trong lành và không vướng bận những lắng lo thường nhật chính là liều thuốc thư giãn tinh thần và xoa dịu tuyệt vời cho tâm hồn.

Burnout, Travel, Go on a trip, Kiệt sức trong công việc, Đi du lịch

Tìm nguồn cảm hứng từ những trải nghiệm mới

Nguồn cảm hứng để tiếp thêm năng lượng và kéo bạn ra khỏi tình trạng kiệt sức trong công việc đôi khi chỉ đơn giản đến từ việc thay đổi những việc làm quen thuộc hằng ngày. Ví dụ như thay đổi dòng nhạc hay nghe, hay thưởng thức bữa tối ở một quán ăn mới mà bạn chưa từng thử. 

Nhưng để thực hiện điều này thì cần có chút điều kiện, là bạn hãy mang tâm thế cởi mở trước những thứ mà bạn chưa bao giờ thử qua nhé. Việc đổi từ giai điệu mê người, nhịp nhàng của jazz qua tiết tấu dồn dập, có phần dữ dội của rock metal không phải ai cũng có thể quen được. Hay quán ăn mới toanh chưa chắc sẽ bảo đảm thoả mãn khẩu vị của bạn nhưng có sao chứ? Mục đích ở đây là có những trải nghiệm mới mà? 

Tự thưởng cho bản thân 

Nếu đã vắt kiệt sức lực bản thân và cống hiến hết mình cho công việc rồi, thì bạn hoàn toàn xứng đáng được tự thưởng cho mình. Đó có thể là một món quà xa xỉ một chút mà bạn đã muốn có từ lâu, hay một buổi spa để nâng niu làn da và thư giãn toàn thân, v.v. 

Hành động tự thưởng có ý nghĩa rằng: hơn ai hết, bạn công nhận những gì bản thân đã làm được. Trạng thái hoàn toàn "sập nguồn", hay kiệt sức trong công việc nghĩa là là bạn đã dành trọn sức mình để biến mục tiêu trong công việc thành hiện thực. Vậy thì tự thưởng sẽ là một lời động viên rằng "Bạn đã làm tốt rồi!", đồng thời giúp "sạc" năng lượng lại hiệu quả để kéo bạn ra khỏi cảm giác trống rỗng đang có. 

Thiền 

Thiền là một hoạt động giúp trấn an tinh thần, xoa dịu tâm trí và khôi phục năng lượng tiềm ẩn trong mỗi người. Khi thiền định, bạn có cơ hội lắng nghe giọng nói bên trong chính mình rõ hơn, để chạm đến nốt trầm bình yên trong tâm hồn - thứ vốn đang bị những lắng lo, bế tắc bao trùm. 

Để tăng hiệu quả thư giãn và trị liệu tâm hồn trong lúc thiền, bạn có thể đốt hay xông thêm tinh dầu, nhang thơm. Tuy nhiên hãy nhớ chọn những sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên lành tính, an toàn cho sức khỏe. Với cách này, bạn sẽ  phần nào được xoa dịu khỏi trạng thái kiệt sức trong công việc một cách nhẹ nhàng.

Ai cũng sẽ có lúc kiệt sức trong công việc

Vậy đấy, ai cũng có lúc trải qua trạng thái "kiệt sức trong công việc" và bị mất năng lượng sau một khoảng thời gian tập trung hết tâm trí, sức lực cho trong công việc. Nhưng để khôi phục lại trạng thái cân bằng cũng như không làm ảnh hưởng đến hiệu suất sau đó thì rất cần sự bình tâm và xử lý tình huống đúng cách. Hy vọng rằng với bài viết này, CHUS đã cho bạn những gợi ý thú vị để bạn có thể áp dụng cho chính bản thân mình.