- 4 16, 2024
Những làng nghề gốm sứ xưa danh bất hư truyền tại Việt Nam (Phần 1)
Nhắc đến gốm sứ Việt Nam, không thể không nhắc đến các làng nghề gốm truyền thống lâu đời ở miền Bắc. Nơi đây lưu giữ những bí quyết làm gốm độc đáo được truyền qua nhiều thế hệ, tạo nên những sản phẩm tinh xảo, mang đậm dấu ấn văn hóa của dân tộc. Mỗi làng gốm mang một câu chuyện, bản sắc riêng, với những sản phẩm đặc trưng và những kỹ thuật tạo tác độc đáo. Cùng CHUS tìm hiểu chi tiết hơn trong bài viết này nhé!
Các làng nghề gốm miền Bắc
Bát Tràng
Làng gốm Bát Tràng là một trong những làng nghề truyền thống lâu đời và nổi tiếng nhất Việt Nam. Nằm bên bờ sông Hồng, tọa lạc tại xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, cách trung tâm Hà Nội khoảng 13km về phía Đông Nam. Làng đồ gốm Bát Tràng đã có lịch sử hơn 700 năm và nổi tiếng với các sản phẩm gốm sứ đa dạng, phong phú về kiểu dáng cũng như màu sắc.
Theo ghi chép, làng gốm Bát Tràng hình thành từ thời Lý vào khoảng thế kỷ 14 - 15. Nhờ nguồn nguyên liệu dồi dào và thuận lợi giao thông thủy bộ, Bát Tràng nhanh chóng phát triển thành trung tâm sản xuất gốm sứ lớn nhất Việt Nam. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, làng gốm Bát Tràng truyền thống vẫn giữ gìn bản sắc và ngày càng có vị trí vững chắc.
Gốm Bát Tràng nổi tiếng với những dòng men cổ đặc trưng như men ngà, men đục, men xanh, men rạn. Mỗi loại men đều mang vẻ đẹp riêng biệt, tạo nên sự đa dạng và phong phú cho sản phẩm gốm nơi đây. Bát Tràng nổi tiếng làm đồ gốm thủ công, từ khâu nhào nặn, tạo hình đến nung đốt. Chính sự tỉ mỉ và khéo léo của người nghệ nhân đã tạo nên những sản phẩm gốm tinh xảo, mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống.
Chu Đậu
Làng gốm Chu Đậu, còn được gọi là làng gốm Mỹ Xá, là một làng nghề truyền thống lâu đời, tọa lạc tại xã Thái Tân và Minh Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Theo các nhà khảo cổ học, làng gốm Chu Đậu đã xuất hiện từ thời nhà Lý và phát triển mạnh mẽ dưới thời nhà Trần. Giai đoạn này, làng nghề sản xuất gốm sứ cung đình, phục vụ cho triều đình và giới quý tộc.
Tuy nhiên, sau thế kỷ 17, do chiến tranh Lê-Mạc, làng gốm Chu Đậu bị tàn phá nặng nề và dần lụi tàn. Phải đến đầu thế kỷ 21, làng nghề mới được phục hồi và phát triển trở lại. Đồ gốm Chu Đậu chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi Phật giáo và Nho giáo. Điều này thể hiện qua các hoa văn, họa tiết trên gốm đều mang đậm dấu ấn văn hóa và tâm linh của người Việt Nam.
Gốm Chu Đậu được làm từ đất sét trắng mịn, nung ở nhiệt độ cao nên có độ bền cao và khả năng chịu nhiệt tốt. Có nhiều kiểu dáng phong phú, từ những vật dụng đơn giản trong sinh hoạt như bát, đĩa, chén đến những đồ trang trí tinh xảo như lọ hoa, tượng gốm,... Bên cạnh đó, đồ gốm thủ công Chu Đậu còn nổi tiếng với chất men trắng trong, hoa văn tinh xảo được khắc họa qua nhiều hình thức như vẽ, đắp nổi hoặc họa.
Phù Lãng
Làng gốm Phù Lãng, còn được gọi là làng gốm Bát Tràng 2, tọa lạc tại xã Phù Lãng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Làng gốm Phù Lãng có lịch sử hình thành và phát triển cùng với làng gốm Bát Tràng, nhưng lại có những nét độc đáo riêng biệt. Điều này thể hiện qua sản phẩm, kỹ thuật làm gốm và văn hóa của làng nghề.
Gốm Phù Lãng chủ yếu sản xuất đồ gia dụng từ đất sét đỏ, được tạo hình thủ công trên bàn xoay. Sản phẩm gốm nơi đây có độ bền cao, giá thành hợp lý, phù hợp với nhu cầu sử dụng của người dân trong đời sống sinh hoạt. Nơi đây nổi tiếng với men gốm nâu, nâu đen, vàng nhạt, vàng thẫm, dân gian thường gọi là men da lươn. Màu men này được tạo ra từ nguyên liệu tự nhiên và rất khác biệt so với các làng gốm sứ khác ở Việt Nam.
Thổ Hà
Song hành cùng làng Bát Tràng trứ danh, làng gốm Thổ Hà tại Bắc Giang mang những nét đặc trưng riêng biệt, tạo nên sức hút mãnh liệt cho du khách và những người yêu thích gốm sứ. Đây là một trong những làng nghề gốm sứ truyền thống lâu đời nhất Việt Nam, được hình thành và phát triển từ những năm trong thế kỷ 12.
Đất sét vàng, sét xanh là những nguyên liệu quý giá từ lòng đất mẹ được bàn tay tài hoa của người thợ Thổ Hà nhào nặn, thổi hồn vào từng sản phẩm. Nung ở nhiệt độ cao, đất sét sẽ tự chảy men và thành sành, tạo nên màu nâu sẫm, sắc tím than trầm độc đáo tổ điểm cho nét đẹp của cả làng gốm.
Gốm Thổ Hà nổi tiếng với những sản phẩm rất đa dạng từ lu, chậu sành phục vụ sinh hoạt cho đến đồ trang trí tinh xảo. Hiện nay, nơi đây đã vươn xa khỏi ranh giới làng quê, chinh phục thị trường bởi những ưu điểm vượt trội như độ bền cao, giá thành hợp lý và đặc biệt là vẻ đẹp mộc mạc, gần gũi.
Hương Canh
Làng Gốm Hương Canh tọa lạc tại xã Hương Canh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, cách thủ đô Hà Nội khoảng 50km. Nổi tiếng với tuổi đời hơn 300 năm, làng gốm Hương Canh mang trong mình câu chuyện về một thời vàng son của nghề gốm Việt. Nơi đây từng ghi dấu ấn rực rỡ với những sản phẩm gốm sành thô mộc, mang màu đất nung cháy đặc trưng, ẩn chứa bí quyết "men trong đất" độc đáo.
Gốm sành Hương Canh sở hữu khả năng chống nước tuyệt vời, ngăn ánh sáng hiệu quả, lựa chọn giúp bảo quản thực phẩm trọn vẹn hương vị. Nguyên liệu chính là đất sét xanh khai thác tại địa phương, sở hữu độ mịn, ít tạp chất, dễ dàng vuốt mỏng giúp các nghệ nhân thỏa sức sáng tạo. Tuy trải qua giai đoạn khó khăn chung của đất nước, gốm Hương Canh vẫn giữ gìn được giá trị truyền thống, mang đậm dấu ấn thời gian.
Gia Thủy
Trên mảnh đất cố đô Ninh Bình, làng gốm Gia Thủy tọa lạc tại xã Gia Thủy, huyện Nho Quan, âm thầm gìn giữ ngọn lửa nghề truyền thống hơn 50 năm. Nơi đây không chỉ là kho tàng văn hóa mà còn là kế sinh nhai cho hàng trăm con người. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, làng gốm vẫn giữ được những giá trị truyền thống quý báu, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.
Sản phẩm của làng gốm Gia Thủy được làm từ đất sét nâu vàng khai thác tại địa phương, nung ở nhiệt độ cao tạo nên độ bền chắc và màu sắc đặc trưng. Gốm Gia Thủy nổi tiếng với các sản phẩm như chum, vại, nồi, niêu, bình, lọ, ấm trà,... với hoa văn trang trí tinh xảo, mang đậm dấu ấn văn hóa Việt Nam. Quy trình sản xuất gốm Gia Thủy trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ, đòi hỏi sự khéo léo và tinh thần nghệ thuật cao của người thợ để có thể tạo nên chất lượng và giá trị của sản phẩm.
Bạch Liên Bồ Bát
Lịch sử làng gốm Bồ Bát trải dài hàng nghìn năm, minh chứng bởi những lớp đất nung và mảnh gốm cổ dày đặc được tìm thấy. Theo sử sách, thời Đinh - Tiền Lê, những nghệ nhân tài hoa Bồ Bát đã sáng tạo gốm cao cấp, tiến vua như gạch xây thành, đồ gia dụng, các linh vật đầu rồng,…
Bí quyết tạo nên thương hiệu gốm Bồ Bát chính là loại đất sét Bồ Di quý hiếm, còn gọi là đất non sương. Đất Bồ Di chỉ cần nung khoảng 50 - 70% thời gian so với các loại đất khác mà vẫn đảm bảo độ mịn, cứng, ít nứt vỡ. Sau khi đã qua quá trình nung nóng, loại đất này bung tỏa sắc men trắng tinh khiết, như ánh trăng soi bóng trên mặt hồ, đây cũng chính là điểm đặc biệt của loại gốm sứ nơi đây mà khó tìm thấy ở các làng nghề khác. Ngày nay, cùng du lịch Ninh Bình phát triển, gốm Bồ Bát cũng hồi sinh mạnh mẽ..
Kim Lan
Nhắc đến gốm cổ Hà Nội, người ta thường nhớ đến Bát Tràng mà ít ai biết rằng, ẩn mình bên dòng kênh Bắc Hưng Hải, còn có một làng nghề gốm thủ công cổ mang tên Kim Lan. Tọa lạc xã Kim Lan, huyện Gia Lâm, Hà Nội, chỉ cách Bát Tràng một con kênh nhỏ.
Điều đặc biệt là, dựa trên những di vật khai quật được, nghề gốm ở Kim Lan xuất hiện sớm hơn so với Bát Tràng. Giữa sự ồn ào, náo nhiệt của Bát Tràng, Kim Lan như một "ốc đảo" bình yên, lặng lẽ gìn giữ tinh hoa gốm sứ truyền thống. Đến nơi đây, du khách có thể tìm thấy những bình, vại gốm, chậu cảnh, lư hương,... cho đến chén, bát, ống đựng tăm,... từ bình dân đến cao cấp. Mỗi sản phẩm đều được làm thủ công tỉ mỉ, mang đậm dấu ấn văn hóa làng nghề truyền thống.
Bạn có thể tham khảo thêm: Những thời kỳ hưng thịnh của gốm sứ Việt Nam
Tạm kết
Trên đây là những chia sẻ xoay quanh chủ đề về các làng nghề làm gốm tại miền Bắc. Hy vọng bạn sẽ có thêm nhiều thông tin thú vị và góc nhìn mới mẻ hơn về nét đẹp truyền thống trong văn hóa làm gốm của nước ta, cũng như sự đa dạng của gốm sứ Việt Nam. Hiện nay, bạn có thể chọn mua các loại gốm sứ cao cấp, nổi tiếng tại CHUS để trang trí không gian sống hoặc làm quà tặng!
Đón xem bài viết sau để tìm hiểu thêm về những làng nghề gốm sứ thuộc miền Trung và miền Nam nước ta nhé.