- 1 16, 2023
5 điều cần biết để phát triển bản thân hiệu quả hơn
Phát triển bản thân là cả một hành trình vô hạn. Ở mỗi giai đoạn trong cuộc sống, chúng ta sẽ có cho mình các đích đến khác nhau. Việc liên tục biến đổi nhằm hoàn thiện và thích ứng với từng giai đoạn là cực kỳ cần thiết.
Tại sao phát thiện bản thân lại quan trọng?
Phát triển bản thân đồng nghĩa với việc khiến bản thân trở nên tốt hơn trong mọi khía cạnh. Từ đời sống tinh thần, công việc cho đến các mối quan hệ xã hội.
Hãy tưởng tượng chúng ta đang ở trong một trò chơi và cần vượt qua các thử thách để thăng cấp. Cấp càng cao thì thử thách càng khó. Đây cũng chính là điểm hấp dẫn khiến ta không thể dừng chơi. Tương tự như cuộc sống, mỗi một sở thích mới, một cuốn sách mới hay một cơ hội mới đều mang đến cho ta thử thách mới lạ, nhưng đồng thời khiến cuộc sống trở nên thú vị hơn. Tạo động lực cho ta vươn lên từng ngày.
Cần làm gì để cải thiện bản thân nhanh chóng và hiệu quả
Tuy nhiên đây không phải là điều có thể dễ dàng đạt được chỉ sau một đêm, mà ngược lại, cần rất nhiều thời gian và công sức. Dưới đây là 5 điều cần làm mà ai cũng nên biết khi bước trên con đường hoàn thiện chính mình.
Bắt đầu từ bước nhỏ
Đặt mục tiêu quá lớn ngay khi vừa bắt đầu chỉ khiến cho ta mau chán nản và trở nên trì hoãn. Thay vào đó, hãy chia nhỏ mục tiêu ra. Bắt đầu với việc đọc 2-3 trang sách mỗi ngày thay vì ép bản thân phải đọc 10 quyển sách 1 năm.
Ngừng so sánh
Sự bùng nổ của mạng xã hội trên toàn thế giới đã khiến chúng ta dễ dàng bị cuốn vào các câu chuyện thành công, hay những hình ảnh lung linh của người khác. Ở một khía cạnh nào đó, điều này đóng vai trò như nguồn cảm hứng giúp ta tốt hơn mỗi ngày.
Mặt khác, nó cũng khiến mọi người vô tình hình thành cảm giác lo âu, bất an và tự ti khi thấy người khác tốt hơn mình, từ đó vô hình chung làm mất đi động lực cố gắng. Thay vì tập trung vào người khác, chúng ta nên tập trung lắng nghe và quan sát chính bản thân mình. Hãy thử:
-
Liệt kê ra những điểm mạnh của bản thân và những điều khiến ta đặc biệt.
-
Tập ghi chép lại các suy nghĩ và ý tưởng như một cách theo dõi, sắp xếp và “giải phóng” đầu óc.
-
Thực hành lòng biết ơn với mọi điều xảy ra trong cuộc sống. Dần dà, ta sẽ cảm thấy cuộc sống trở nên ý nghĩa và vui tươi hơn.
Nghỉ ngơi không sai
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 trải dài suốt năm 2021, chúng ta hẳn đã có nhiều dự định cá nhân hơn, cũng như hình thành các thói quen tốt như tập thể dục, đọc sách, học nấu ăn v.v... Nhưng cũng chính khoảng thời gian “nhàn rỗi” tại nhà vào thời điểm đó cũng đem đến cho ta một nỗi ám ảnh mới: Toxic productivity, nghĩa là “năng suất độc hại”.
Đó là một loại cảm xúc thôi thúc bạn phải làm việc gì đó cho bằng được. Việc này xảy ra thường xuyên, và thực chất, lại không phải xuất phát từ mong muốn của bản thân, mà là do hiệu ứng FOMO (Fear of missing out) tạo ra. FOMO nghĩa là sợ bỏ lỡ thứ gì đó, dẫn đến việc bạn thường so sánh và thấy sợ hãi khi thấy quanh mình ai cũng có vẻ bận rộn. Suy nghĩ này dẫn đến việc đời sống tinh thần bị giảm sút trầm trọng. Khi đối mặt với năng suất độc hại, tất cả những gì bạn cần làm là cho phép bản thân được nghỉ ngơi và thư giãn. Việc đó sẽ giúp bạn dần cân bằng lại cảm xúc và xác định được những điều thực sự cần thiết phải làm.
Hãy nhớ rằng, không ai có thể thành công chỉ sau vài ngày; nhưng sức khỏe và tinh thần của bạn chắc chắn sẽ trở nên tốt hơn rất nhiều nếu được nghỉ ngơi đúng cách. Một sức khỏe tốt và tâm lý vững vàng sẽ là chìa khóa dẫn dắt bạn đến với thành công.
Rèn luyện tính kỷ luật
Có câu “kỷ luật mang đến cho ta sự tự do”, thoạt đầu nghe khá mâu thuẫn nhưng lại hoàn toàn hợp lý. Có kỷ luật tốt, chúng ta sẽ đạt được những mục tiêu đưa ra dễ dàng hơn, từ đó có thêm nhiều lựa chọn trong cuộc sống.
Bạn có thể rèn luyện tính kỷ luật bằng cách lên kế hoạch cụ thể và cố gắng thực hiện đều đặn mỗi ngày. Chỉ cần 1% mục tiêu đề ra được hoàn thành mỗi ngày, dần dà theo thời gian, bạn sẽ rất bất ngờ về những gì mình đạt được.
Tập nói không với suy nghĩ quá độ
Suy nghĩ quá độ hoặc lo lắng quá độ được nhiều bạn trẻ gọi bằng từ tiếng anh là “overthinking”. Cẩn thận và có kế hoạch là tốt, nhưng trên thực tế, vẫn luôn có những vấn đề nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Suy nghĩ nhiều chỉ khiến ta kiệt sức và giết chết sự lạc quan. Cho nên, hãy cứ bắt tay vào làm, đừng lo xa quá nhiều, và rồi bạn sẽ thấy mọi thứ không đáng sợ như mình nghĩ.
Ví dụ bạn đang có ý định chuyển sang làm việc tại một lĩnh vực khác. Thay vì đắn đo có nên rời bỏ công việc hiện tại liền hay không thì bạn có thể làm ngay những việc sau: tìm hiểu thêm thông tin về ngành nghề ở các nguồn miễn phí, đăng ký khóa học ngắn hạn, theo dõi các chuyên gia trong lĩnh vực mà bạn đang muốn theo đuổi. Từ đó bạn sẽ có cái nhìn tổng quan hơn về ngành và đưa ra các quyết định phù hợp.
Bạn thấy đấy, việc lo lắng nhưng không làm gì sẽ chẳng đem lại bất kỳ lợi ích gì cả. Hãy dừng việc đó lại và bắt tay vào làm ngay những việc có thể.
Kết luận
Hoàn thiện bản thân không có nghĩa là phải trở nên hoàn hảo vì vốn dĩ cuộc sống không ai là không có sai sót. Hãy cho phép bản thân trải nghiệm thật nhiều, thử thật nhiều và quan trọng là được sai. Chính những sai lầm ấy sẽ là các viên đá lót đường dẫn lối bạn đến với thành công trên con đường phát triển bản thân.