- 11 10, 2024
“Trống Cơm” của nhà Sao Sáng - Khi nhạc cụ truyền thống thăng hoa cùng âm nhạc hiện đại
Tuy đã kết thúc, nhưng chương trình Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai đã để lại những ấn tượng sâu sắc có thể nói chưa từng có chương trình nào làm được trong lòng khán giả. Đặc biệt là những ai yêu thích âm nhạc dân tộc nói riêng và nền âm nhạc nước nhà nói chung.
Trong số những bài hát có trong chương trình thì “Trống Cơm” - bài hát đến từ nhà Sao Sáng trong Công Diễn 1 được ví như tác phẩm hội tụ tinh hoa của âm nhạc truyền thống và điểm nhấn hiện đại. Không chỉ khiến người lớn ấn tượng mà đến người trẻ cũng trầm trồ và ngưỡng mộ mỗi khi nghe thấy.
Vậy chiếc trống cơm đó có gì đặc biệt và nhà Sao Sáng đã mang chất liệu dân gian ấy đến gần với hiện đại như thế nào?
Trống Cơm - một nhạc cụ mộc mạc từ cổ sơ
Trống cơm là một nhạc cụ truyền thống mang đậm hồn Việt. Trống cơm từ lâu đã gắn liền với những làn điệu dân ca, những câu chuyện cổ tích và những lễ hội truyền thống. Không chỉ là một nhạc cụ, đây còn là một phần hồn của dân tộc, là sợi dây kết nối giữa quá khứ và hiện tại.
“Trống cơm được cấu tạo hai mặt, tang trống là gỗ cứng (thường là gỗ lim) hình trụ dài chừng 65-70 cm, đường kính khoảng 24-25cm, ít thấy dùng gỗ mít như một số loại trống khác, hai đầu tang trống thu hơi nhỏ dần, mặt trống bưng bằng da, có thể chốt đinh tre hoặc kéo căng bằng bộ dây nín theo chiều dọc thân trống.” - Theo Tạp chí điện tử Làng Nghề Việt Nam.
Trống cơm có phần thân thuôn dài kèm dây đeo
Cái tên trống cơm xuất phát từ việc phải dùng cơm đắp thành hình tròn lên mặt trống, hai bên mặt sẽ có lượng cơm khác nhau. Cơm đắp mặt trống phải là cơm được nghiền dẻo như khối bột. Khi vỗ, người ta thường dùng bốn ngón tay sít vào nhau (trừ ngón cái) để vỗ trực tiếp lên mảng cơm đắp ở mặt trống.
Nhạc công sẽ đeo dây trống lên cổ để trống nằm ngang trước bụng. Tiếng trống cơm vang nhưng hơi mờ đục, mộc mạc mà sâu sắc. Qua bàn tay khéo léo của nhạc công mà âm thanh đó biến hoá thành làn điệu vui tươi dù cho nguồn gốc của loại nhạc cụ này lại bắt nguồn từ câu chuyện tình buồn của đôi nam nữ. Tuy nhiên, bài viết sẽ không đi sâu vào cụ thể câu chuyện này mà chỉ đề cập đến những giá trị mang tính văn hoá truyền thống của trống cơm.
Sân khấu trình diễn với trống cơm và các nhạc cụ truyền thống
Trống cơm - Một làn điệu dân ca mà người Việt thuộc nằm lòng
Hẳn ai cũng từng nghe qua giai điệu “Tình bằng có cái trống cơm, khen ai khéo vỗ ố mấy bông mà nên bông…”. Bài Trống Cơm thuộc thể loại dân ca Bắc Bộ, nhưng lại không phải là một bài hát hoàn chỉnh mà chỉ là một làn điệu dân ca. Khó tìm được một người Việt nào lại không thuộc nằm lòng từng ca từ của bài Trống Cơm. Sức ảnh hưởng của nó đơn giản đến từ sự gần gũi, quen thuộc như trong tiềm thức của một người con đất Việt. Tuy không màu mè nhưng bản thân làn điệu này cũng như hình ảnh chiếc trống cơm lại phản ánh những gì đặc trưng nhất của âm nhạc Việt, của văn hoá Việt Nam.
“Trống Cơm là một loại trống có tính cách Việt hoàn toàn từ âm thanh, hình dáng, cho đến cách biểu diễn..”
Bài trình diễn Trống Cơm của nhà Sao Sáng tại Công diễn 1 tại chương trình ATVNCG (Ảnh: Chương trình ATVNCG)
Khi trống cơm hòa quyện cùng hơi thở hiện đại
Trong chương trình Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai, sau khi kết thúc phần trình diễn, NSND Tự Long có chia sẻ: "Văn hóa là bản chất, văn hóa là cội nguồn, văn hóa là dân tộc". Tất cả những gì gắn đến văn hoá đều mang một sức nặng nhất định.
Với đội Sao Sáng gồm Tự Long, Cường Seven và Soobin Hoàng Sơn, cái khó khi làm bài hát này không chỉ nằm ở việc phải giữ gìn nét đẹp văn hoá của trống cơm, mà còn phải làm sao để người trẻ lắng nghe nó trên sân khấu hiện đại.
Ba nghệ sĩ cùng mặc áo dài giữa bối cảnh xưa càng tôn lên tinh thần gìn giữ văn hoá Việt Nam (Ảnh: Báo Lao Động)
Dù format chương trình cho phép sáng tác và biến hoá thêm (phần này gọi là X-part), đội Sao Sáng đã quyết định giữ nguyên phần lời gốc, chỉ viết thêm lời mới. Trang phục và bối cảnh dàn dựng trên sân khấu cũng được dựng theo ngày xưa với nam sẽ mặc áo dài, nữ mặc áo tứ thân.
Sự tán dương và bàn luận sôi nổi dành cho bài hát Trống Cơm trong chương trình đã chứng minh rằng họ hoàn toàn thành công trong việc biến bài Trống Cơm từ xưa ấy trở thành bài hát không chỉ phù hợp với đại chúng, mà còn tôn vinh lên giá trị mang tầm vóc văn hoá lớn lao của âm nhạc Việt Nam.
Tiếng đàn bầu - điểm nhấn “đỉnh nóc - kịch trần - bay phấp phới”
Bên cạnh trống cơm, đàn bầu cũng được sử dụng làm điểm nhấn khúc cuối tạo thành cú kết bài trọn vẹn cho tổng thể phần trình diễn. Vốn có nền tảng gia đình và học về nhạc cụ dân tộc, Soobin Hoàng Sơn hoàn thành xuất sắc phần thể hiện đàn bầu của ca khúc Trống Cơm.
Tiếng đàn bầu vốn mang âm sắc tha thiết, quyến rũ và sâu lắng với âm vực rộng tới 3 quãng 8. Ngày trước, đa phần đàn bầu chỉ được sử dụng để gảy lên những giai điệu buồn, trầm bổng. Tuy chưa có giả thuyết nào được khẳng định là chính xác, nhưng có thể nói, “đàn bầu là nhạc cụ bản địa của người Việt, đã có từ lâu đời, ít nhất cũng phải có trước thế kỷ XIX”. - theo báo Quân Đội Nhân Dân.
Soobin và khoảnh khắc “xuất thần” khi gảy đàn bầu tạo nên cái kết hoàn mỹ cho bài hát Trống Cơm (Ảnh: Báo Đại Biểu Nhân Dân)
Thế nhưng với Trống Cơm của nhà Sao Sáng tại Công diễn 1, nghệ sĩ mang đến một cái nhìn mới mẻ cho đàn bầu khi tạo ra những giai điệu hào hùng hơn, đanh cao hơn “tựa như EDM cổ truyền” - nhận xét của hầu hết khán giả khi nghe đến đoạn này. Tiếng đàn bầu vang lên giữa từng nhịp trống đại hào hùng, bước nhảy hiện đại đã tạo nên bữa tiệc âm nhạc bùng nổ cho những người thuộc thế hệ trước cũng như lớp trẻ hiện tại.
NSND Tự Long tự mình đánh trống đại kết với múa cờ càng tăng thêm sự ấn tượng cho bài hát Trống Cơm (Ảnh: Backstage News)
Ý nghĩa tầm vóc của kết hợp trống cơm và âm nhạc hiện đại
Như NSND Tự Long chia sẻ: "Chúng tôi muốn làm mới giai điệu của Trống cơm nhưng không mất đi bản sắc dân tộc. Đối tượng của chúng tôi có thể là các thế hệ 6x, 7x cũng có thể là 2000, 2030… nhưng họ vẫn thích nghe Trống cơm, và chúng tôi làm giàu kho tàng văn hóa Việt Nam”.
Việc kết hợp trống cơm và âm nhạc hiện đại trong ca khúc "Trống cơm" đã góp phần quảng bá và tôn vinh giá trị của trống cơm, giúp cho thế hệ trẻ hiểu hơn về một phần di sản văn hóa quý báu của dân tộc. Qua sự thành công của Trống Cơm, có thể thấy rằng chương trình Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai đã vượt ra khỏi khuôn khổ một chương trình giải trí đơn thuần. Mà họ đã lan toả giá trị văn hoá Việt Nam quý giá của những loại nhạc cụ truyền thống.
Trống cơm mộc mạc được thăng hoa giữa thời hiện đại nhờ những nghệ sĩ có tài và có tâm (Ảnh: Chương trình ATVNCG)
Kết luận
Hy vọng bài viết trên đã giải đáp thắc mắc và cung cấp một số thông tin bổ ích về chiếc Trống Cơm được nhắc tới trong chương trình, cũng như có thêm góc nhìn mới mẻ dành cho nhạc cụ truyền thống. Ca khúc "Trống cơm" của Tự Long, Soobin Hoàng Sơn và Cường Seven là một minh chứng rõ ràng cho thấy âm nhạc truyền thống vẫn có thể hòa quyện một cách nhuần nhuyễn với âm nhạc hiện đại nếu người làm nhạc biết làm đúng cách. Sự thành công của ca khúc này đã mở ra một hướng đi mới cho việc bảo tồn văn hoá Việt Nam và phát huy giá trị của nhạc cụ truyền thống, đồng thời góp phần làm phong phú thêm kho tàng âm nhạc nước nhà.
Nếu bạn đang tìm kiếm những món quà ý nghĩa để tặng thần tượng của mình và tham dự những show diễn của các “anh trai” hoặc “chị đẹp,” hãy ghé qua Chus. Tại đây, bạn sẽ tìm thấy những sản phẩm thủ công chất lượng, đậm đà văn hóa Việt Nam, được tạo nên bởi các nghệ nhân Việt đầy tâm huyết. Chus còn cung cấp dịch vụ giao hàng toàn quốc, giao hỏa tốc, cùng với đội ngũ chăm sóc khách hàng tận tình, chuyên nghiệp, giúp bạn có trải nghiệm mua sắm an tâm và thuận tiện.