Xem nhanh

Nghề gốm là một nghề lâu đời, được truyền lại từ tổ tiên ta bao đời nay. Sản phẩm gốm gắn liền với đời sống của người Việt Nam, từ những vật dụng thông thường như chén dĩa, đến các đồ trang trí sang trọng, gốm luôn là chất liệu đồng hành và phục vụ nhu cầu sống của chúng ta. 

Từ 6 - 7 ngàn năm trước, đồ gốm xuất hiện trong các di chỉ văn hóa ở vùng Hòa Bình, Bắc Sơn. Và trong suốt những trang sách sử, hình ảnh sản phẩm gốm trên khung bếp rất đỗi thân thương và gần gũi trong đời sống người Việt.  

Đồ gốm và nghệ nhân gốm

 

Gốm là sản phẩm được nung từ đất, thường có màu vàng, cam hoặc đỏ cam. Đây là những tông màu nguyên thủy khi sản phẩm chưa được tô vẽ. Các sản phẩm gốm có men sẽ có nhiều màu sắc khác nhau ngoài những màu cơ bản đó. Để làm ra một sản phẩm gốm hoàn chỉnh, quy trình đòi hỏi rất nhiều yếu tố từ khâu chọn đất, lọc đất, phơi và sấy. Đồng thời, người nghệ nhân cũng là một yếu tố quyết định giá trị của sản phẩm. Vì thế, hãy tìm hiểu thêm về những nghệ nhân đằng sau gốm Việt để thêm kính nể nghề truyền thống của ông cha ta.

Nghệ nhân gốm 

Đối với nghề gốm, người làm gốm chính là nghệ nhân. Không đơn thuần là học hỏi nghề, có kỹ năng nhất định mà nghệ nhân gốm còn phải là một người kinh nghiệm, sở hữu đôi bàn tay khéo léo cùng sự sáng tạo tuyệt vời. Nhờ đó, sản phẩm gốm có thể đa dạng, độc đáo hơn, thu hút sự quan tâm của giới mê gốm. 

Tố chất của nghệ nhân gốm

Khi tạo tác gốm, người nghệ nhân cần phải dùng kinh nghiệm và cảm xúc để thể hiện ý tưởng. Nghệ nhân gốm là người thổi hồn vào đất, mang đến các sản phẩm thể hiện nét văn hóa dân tộc Việt. Vì thế, công việc đòi hỏi kỹ năng tay nghề chuyên nghiệp, và đôi khi là cả óc sáng tạo cao để bắt kịp xu hướng. 

Để trở thành một nghệ nhân gốm cần một quá trình rèn luyện lâu dài. Con đường này đòi hỏi sự kiên trì và niềm đam mê với nghề, với công việc. 

Không phải trong vài tháng, vài năm là có thể làm ra một sản phẩm hoàn hảo. Ban đầu, thành phẩm làm ra có thể bị hỏng hoặc chưa được ưng ý. Những người nghệ nhân làm gốm cần có tình yêu thật sự cho nghề thì mới vượt qua được những khó khăn giai đoạn đầu học việc. Đồng thời, người làm gốm phải học hỏi để duy trì tính sáng tạo, giúp sản phẩm đẹp và độc đáo hơn, thu hút người mua. 

Khó khăn của nghệ nhân gốm

Với sự phát triển công nghiệp hóa của xã hội, ngành nghề truyền thống có nguy cơ mai một theo thời gian. Tuy gốm truyền thống vẫn có thị trường riêng nhưng nỗi lo của nghệ nhân gốm là sản phẩm gốm công nghiệp hoặc dụng cụ đựng bằng nhựa sẽ dần thay thế những sản phẩm truyền thống. Nhưng không vì thế mà các nghệ nhân làng nghề lại bỏ cuộc. Họ vẫn sẽ luôn đặt tâm huyết vào công việc để tạo một chỗ đứng vững cho từng sản phẩm mà mình tạo ra. 

Công việc chính của người nghệ nhân gốm 

1. Chọn đất 

Chọn đất là công đoạn vô cùng quan trọng trong làm gốm. Một người thợ kinh nghiệm có thể dễ dàng phân biệt rõ các loại đất với nhau. Vì thế, để sản phẩm ra lò đạt tiêu chuẩn tốt nhất, nghệ nhân gốm phải chọn loại đất phù hợp với từng sản phẩm.

2. Lọc đất

Để đưa nguyên liệu vào sản xuất và thực hiện sản phẩm, cần một giai đoạn nữa là lọc đất. Quá trình có thể diễn ra trong nhiều tháng, mất rất nhiều thời gian nhưng nhờ vậy nghệ nhân mới đảm bảo được chất lượng của đầu vào và từ đó là đầu ra. 

Đầu tiên, phần đất sét thô sẽ được ngâm trong nước. Trong quá trình ngâm, người thợ có thể sử dụng các công cụ hỗ trợ việc lắng và lọc đất. Sau khi lặp lại quy trình này nhiều lần, đất sét làm gốm sẽ mịn hơn.

3. Tạo hình 

Kế đến là công đoạn tạo hình. Người thợ sẽ đặt đất đã được lọc lên bàn xoay và tạo hình dáng sản phẩm theo một hình dáng đã xác định. Một số sản phẩm gốm sau khi được xoay cho tròn đều, sẽ tiếp tục được nặn thêm các chi tiết khác để có hình thù riêng biệt; hoặc được nặn thành hình mà không trải qua giai đoạn xoay tròn. 

nghệ nhân gốm tạo hình đồ gốm

 

4. Phơi, sấy và nung

Sau khi đã được tạo dáng, sản phẩm vẫn còn ướt và mềm nên cần được phơi sấy để thành phẩm. Ngày xưa, sản phẩm thường được phơi dưới ánh nắng trực tiếp nhưng do công đoạn này mất nhiều thời gian nên người ta đã nghĩ ra lò nung rút ngắn công đoạn. Mặt khác, lò nung tạo ra nhiệt độ cao, sẽ khiến đồ gốm cứng chắc và bền hơn.

nghệ nhân gốm phơi đồ gốm

 

5. Tráng men 

Ở bước này, sản phẩm cơ bản đã hoàn chỉnh, người thợ gốm sẽ đem sản phẩm đi tráng men. Đặc biệt, việc tráng men chỉ được thực hiện sau khi người thợ gốm đã làm sạch lớp bụi bám trên sản phẩm để mang đến sản phẩm hoàn hảo nhất. Có 3 cách tráng men cơ bản là nhúng, đổ và quét hay vẽ tay. Đây cũng là một giai đoạn quan trọng quyết định vẻ đẹp của đồ gốm sứ.

Tóm lại là…

Gốm thủ công thường mang nét độc đáo riêng, không sản phẩm nào giống sản phẩm nào. Với một sản phẩm gốm thủ công, bạn có thể cảm nhận được kỹ năng điêu luyện của người nghệ nhân làm ra nó. Mỗi sản phẩm mang một câu chuyện riêng, gói trọn tâm tình của người nghệ sĩ. Vì thế, nghệ nhân gốm không đơn thuần là người thợ thủ công mà còn là một truyền nhân của những tinh hoa văn hóa xưa của ông cha. 

Chính vì những giá trị đó, hãy cùng trân trọng những gì thuộc về truyền thống, lưu giữ vẻ đẹp của gốm thủ công Việt để tạo ra một thế hệ mai sau biết ơn về tinh hoa của nước nhà. Việc ưu tiên chọn đồ gốm thủ công Việt thay vì sản phẩm sản xuất hàng loạt theo công nghiệp chính là góp một phần để duy trì và gìn giữ nghề gốm ấy. 

Tại Việt Nam, vẫn có nhiều làng nghề, cũng như thương hiệu làm gốm thủ công và ngày ngày mang đến những sản phẩm gốm chất lượng cho người dùng, chẳng hạn như Tu Hú Ceramics, Gốm Đông Gia, Lina Pottery, The Goods, v.v… Bạn có thể dễ dàng tìm kiếm đồ dùng gốm từ các thương hiệu này ngay trên CHUS.