Theo lịch âm của một số quốc gia châu Á, mỗi năm sẽ tương ứng với một con vật dựa trên Can Chi. Đó là Tí (Chuột), Sửu (Trâu/Bò), Dần (Hổ), Mão (Mèo/Thỏ), Thìn (Rồng), Tỵ (Rắn), Ngọ (Ngựa), Mùi (Dê), Dậu (Gà), Tuất (Chó), và Hợi (Heo). Trong khi năm Mão ở hầu hết các quốc gia tượng trưng cho con Thỏ, thì duy nhất tại Việt Nam, năm Mão lại là năm con mèo. Vậy lý do là vì sao?

Tết Âm lịch và năm Mão tại các quốc gia châu Á

Cứ gần đến mùng 1 tháng Giêng Âm lịch mỗi năm, nhiều người lại rục rịch chuẩn bị đón Tết. Ngày Tết, còn được biết đến với cái tên là “Tết Nguyên Đán” hay “Tết Ta”, có thể được xem là dịp lễ quan trọng nhất trong năm đối với người Việt. Đây là thời điểm mà mọi người tạm gác lại mọi công việc để hướng về gia đình hay quê hương. 

Ngày Tết Nguyên Đán được tính theo lịch âm. Ngoài Việt Nam, một số quốc gia châu Á khác cũng ăn mừng ngày này, chẳng hạn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore.

Dựa trên Can Chi, các năm sẽ được phân theo 12 con giáp, đó là Tí, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Trong khi con giáp ở các quốc gia hầu hết là như nhau, thì Việt Nam và các nước khác lại khác nhau ở “Mão”: theo  người Việt, năm Mão tượng trưng cho năm con mèo, trong khi theo người Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, v.v… Mão lại tượng trưng cho năm con thỏ. Năm Mão sẽ rơi vào các năm 1951, 1963, 1975, 1987, 1999, 2011, 2023, 2035, và mỗi chu kỳ 12 năm tiếp theo.

 

Năm Mão 12 con giáp

Nguyên nhân của sự khác biệt này vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, có nhiều giả thiết được đưa ra để lí giải cho việc đó, chủ yếu dựa trên văn hóa và ngôn ngữ. Hãy cùng nhau tìm hiểu ở dưới đây nhé!

Truyền thuyết về cuộc chạy đua của 12 con giáp

Phiên bản năm Mão là năm con thỏ

Truyền thuyết kể rằng, Ngọc Hoàng muốn dùng tên của các con vật để làm tên của các năm. Mỗi năm sẽ tượng trưng cho một con vật, luân phiên theo chu kỳ 12 năm và giúp Ngọc Hoàng cai quản hạ giới. Để chọn ra những con vật xứng đáng nhất, Ngọc Hoàng đã tổ chức một cuộc chạy đua, và con vật nào đến trước sẽ được xếp trước trong 12 con giáp.

Vì việc có tên trong danh sách 12 con giáp là việc hết sức vinh dự, và càng đứng trước thì niềm vinh hạnh đó lại được nhân lên nhiều lần, nên bất kì con vật nào cũng rất háo hức và phấn khích, rủng rỉnh chuẩn bị để tham gia cuộc đua diện kiến Ngọc Hoàng. 

Vào ngày diễn ra cuộc chạy đua ấy, chuột dậy thật sớm để đi trước các loài chim thú khác. Thế nhưng, khi gần đến cổng trời, chuột lại gặp một con sông lớn chảy xiết chắn ngang và không đi tiếp được. Chú chuột tinh quái đã kiên nhẫn chờ đợi đến khi trâu đi qua và nhảy lên tai trâu để đi nhờ. Chú trâu siêng năng vốn cũng hiền lành và có phần “lơ đãng”, vẫn cứ chăm chú băng qua sông mà chẳng hay biết gì. Cứ thế, trâu tiến đến đích. Thế nhưng, chuột ranh mãnh đang đứng ở tai trâu đã nhanh chân nhảy ra trước và được xếp thứ nhất trong danh sách 12 con giáp. Trâu vì thế mà đứng ở vị trí thứ hai. 

Năm Mão con thỏ chạy đua

Hổ dũng mãnh sau đó cũng đến và được xếp tiếp theo ở vị trí thứ ba. Chú Thỏ tuy nhỏ bé và yếu thế hơn nhưng rất nhanh nhẹn và thông minh, đã nhảy lên các viên đá trên sông, để đến cổng trời ở hạng tư. Rồng, đầy sức mạnh là thế, nhưng lại về thứ năm vì đã dừng lại giữa đường để phun nước làm mưa giúp con người đang gặp hỏa hoạn. Tiếp sau rồng là rắn, ngựa, và cuối cùng là dê, khỉ, gà và chó theo thứ tự thứ 6, thứ 7, thứ 8, thứ 9, thứ 10 và 11. Cuối cùng, heo vốn mập mạp, có phần chậm chạp, lại hết ăn rồi ngủ nên đã chậm chân nhất và đứng thứ 12, là vị trí cuối cùng trong 12 con giáp.

Như vậy, vì thỏ đến được đích, còn mèo thì vắng mặt nên trong 12 con giáp thiếu vắng con mèo, và năm Mão chính là năm con thỏ thay vì năm con mèo.

Và để trả lời cho câu hỏi vì sao con mèo lại không tham dự cuộc thi, người ta giải thích rằng: mèo rất thích ngủ, nên đã nhờ chuột đánh thức mình vào ngày thi để tránh bị ngủ quên. Chuột đồng ý nhận lời nên mèo an tâm ngủ ngon. Thế nhưng, chú chuột lại để mặc cho mèo ngủ quên, còn mình thì đi trước để giành vị trí đầu. Mèo bị lỡ cuộc đua nên không có tên trong 12 con giáp, và cũng vì bị chuột lừa, nên từ đó, mèo ghét chuột như kẻ thù của mình vậy. 

Phiên bản năm Mão là năm con mèo của Việt Nam

Truyền thuyết của người Việt Nam lý giải cho 12 con giáp cũng tương tự, chỉ khác ở chỗ mèo có tham gia bình thường thay vì con thỏ. Vì mèo là anh em với hổ, nên chú cũng dễ dàng đến được thiên đình ở vị trí thứ tư và được cai quản năm Mão, ngay sau hổ ở vị trí thứ ba cai quản năm Dần. 

Việt Nam chọn con mèo thay vì con thỏ vì điều kiện địa lý, ngôn ngữ và văn hóa

Việt Nam có môi trường sống phù hợp cho mèo

Về mặt thực tế, có ý kiến cho rằng nguyên nhân năm Mão ở Việt Nam là con mèo mà không phải con thỏ xuất phát từ điều kiện địa lý và khí hậu. 

Tại Trung Quốc - quốc gia gây ảnh hưởng nhiều nhất trong nhóm các nước đồng văn, có rất nhiều đồng cỏ rộng lớn, hay còn được biết là “thảo nguyên”. Đó là một vùng đồng bằng rộng lớn chỉ có cỏ và cây bụi, nhưng có rất ít hoặc hầu như không có cây cao và lớn. Đây là điều kiện lý tưởng cho loài thỏ sinh sôi và sinh trưởng. 

Thảo nguyên tại Trung Quốc là nơi sống lý tưởng của thỏ

Trong khi đó, ở Việt Nam lại có rất nhiều rừng mưa nhiệt đới do khí hậu nóng ẩm. Rừng mưa nhiệt đới có thể được xem là một trong những hệ sinh thái đa dạng nhất cả về thực vật lẫn động vật, nhưng đây lại không phải là nơi mà loài thỏ “ưa” sống. Ngược lại, các loài mèo lớn cũng như mèo rừng - tổ tiên của mèo nhà - lại có thể sống tốt trong rừng mưa nhiệt đới.

Rừng nhiệt đới ở Việt Nam phù hợp cho họ mèo 

Vì vậy, mèo là loài vật quen thuộc với người Việt Nam hơn nhiều so với loài thỏ. Và từ xa xưa, mèo cũng là loài vật được nuôi trong nhà phổ biến hơn, trong khi thỏ thì xa lạ hơn nhiều. Đây là lí do mà tại Việt Nam, năm Mão là năm con mèo, trong khi Trung Quốc, cùng các nước có nền văn hóa Hán khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Singapore, có năm Mão là năm con thỏ. 

Sự khác biệt trong ngôn ngữ

Khi xét đến khía cạnh ngôn ngữ, người ta nhận thấy cách phát âm “Mão” của con mèo (măo) giống với thỏ (máo) trong tiếng Trung Quốc. Đây có thể là nguyên nhân tạo nên sự khác biệt khi 12 con giáp du nhập vào Việt Nam, và cũng là lý do tại sao chỉ có người Việt xem năm Mão là năm con mèo. 

Mèo trong nền văn hóa Việt Nam so với thỏ

Chẳng những được nhiều người nuôi, mà mèo cũng tỏ ra rất hữu dụng với người nông dân Việt Nam bằng tài bắt chuột. Chuột thích ăn lúa và làm hại đến mùa màng, vậy nên mèo đã trở thành người bạn thân thiết của con người thuộc nền văn hóa lúa nước. 

Vì thân thuộc như vậy, mèo xuất hiện nhiều trong đời sống dân gian của người Việt. Điều đó thể hiện qua rất nhiều các câu ca dao, tục ngữ hay thành ngữ liên quan đến loài mèo như: Mèo lại hoàn mèo, Mèo khen mèo dài đuôi, Ăn ít như mèo, Chó treo mèo đậy, v.v…

Ngoài ra, nếu so sánh với thỏ, thì mèo có những tính tốt như nhanh nhẹn và thông minh; trong khi thỏ lại được gắn với các đặc điểm nhút nhát và yếu ớt, chẳng hạn như trong câu “nhát như thỏ đế”. 

Chính vì sự quen thuộc trong đời sống và văn hóa Việt Nam như trên, càng có thêm lý do để người Việt xem năm Mão là năm con mèo thay vì con thỏ. 

Tóm lại là…

Đến nay, lí do vì sao người Việt Nam chọn mèo làm biểu tượng cho năm Mão vẫn chưa được giải đáp một cách chính xác. Tuy nhiên, CHUS vẫn hy vọng những giả thuyết kể trên có thể phần nào giải đáp thắc mắc của bạn.