Nghề thủ công Việt có nguồn gốc lâu đời. Và gốm chính là một trong số đó, với con số lên đến hàng nghìn năm, tận từ thuở đầu sơ khai của dân tộc Việt. Trải qua suốt những năm tháng thăng trầm của dòng chảy thời gian, đồ gốm Việt có những thay đổi và biến chuyển không ngừng, thậm chí có khi biến mất. Thế nhưng, văn hóa, truyền thống đến nay vẫn đang được nỗ lực duy trì, củng cố và phát triển hơn nữa. Trong bài viết này, cùng Chus khám phá một vài đặc trưng nổi bật của đồ gốm và đồ sứ Việt Nam.

Gốm mộc từ xương gốm thô

Đồ gốm tại Việt Nam đã xuất hiện từ thời tiền sử. Những di chỉ thuộc văn hóa Hòa Bình cho thấy gốm thời kỳ này chủ yếu là gốm mộc. Gốm được làm bằng tay, không có công cụ như bàn xoay, nung ngoài trời thay vì trong lò với nhiệt độ trung bình.

Chất liệu gốm được làm từ những thứ gần gui tự nhiên bên cạnh như vỏ sò, vỏ ốc, bã thực vật, đất trộn nên có độ thô nhất định. Tuy vậy, chất gốm đó cũng đủ để phục vụ đời sống hằng ngày và các nghi thức, nếu có chăng, thời bấy giờ. 

Về hoa văn của đồ gốm, có những hình họa đơn giản như vạch chéo, sóng nước. Tuy đơn sơ là thế nhưng cũng thể hiện được sức sáng tạo của người tiền sử thời đó. 

Gốm tráng men trung đại

Gốm tráng men trung đại đã phát triển mạnh mẽ từ thời kỳ Lý và tiếp tục thịnh hành ở thời kỳ Trần. Trước đó, do ảnh hưởng của 1000 năm Bắc Thuộc và nhiều năm giao thoa với văn hóa phương Bắc, đồ gốm sứ Việt có những chuyển mình đáng kể, chủ yếu là về kỹ thuật nghề làm đồ gốm sứ, cũng như phần nào phong cách nghệ thuật.

Thế nhưng, những người thợ gốm Việt Nam - nhờ sức sáng tạo nội tại và khả năng tiếp thu, cải tiến - đã khéo léo vận dụng, kết hợp yếu tố bản địa với kỹ thuật ngoại nhập, tạo nên các sản phẩm gốm và gốm tráng men chất lượng, mang đậm tính chất Việt Nam.

Đồ gốm men trắng thời Lý

Đồ gốm men trắng thời Lý

Đồ gốm tráng men với cảm hứng từ thủy tộc

Thời kỳ Trần, gốm tráng men vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ với những phong cách đặc trưng, đa dạng. Nhiều đồ vật có hình dáng loài vật dưới nước như cua, cá được trang trí bên trên, thể hiện sự độc đáo và phong cách riêng biệt của nghệ nhân Việt.

Con cua đồng trên vai đồ gốm thời Trần.jpeg

Con cua đồng trên vai đồ gốm thời Trần

Gốm men ngọc

Gốm men ngọc hiếm, quý và khó thực hiện, đòi hỏi kỹ thuật cao. Vẻ đẹp của chúng rất được ưa chuộng bởi nhiều quốc gia Á Đông, từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Cả 4 nước đồng văn bao gồm Việt Nam đều có kỹ thuật làm gốm men ngọc, vốn được học hỏi và cải tiến từ thợ Trung Hoa. 

Gốm men ngọc của Việt Nam cũng đạt chất lượng tốt và phát triển mạnh mẽ trong nước cũng như vượt ra ngoài.

Thế nhưng, do ít tài liệu được lưu trữ, và vì có nhiều đồ gốm men ngọc thời Tống bị chôn lẫn ở Việt Nam, hậu thế khi mới phát hiện ra gốm cổ men ngọc Việt đã tưởng nhầm đó là đồ mua từ Trung Quốc; bởi họ không tin rằng Việt Nam xưa có thể làm đồ gốm tốt và đẹp đến vậy. 

Chiếc âu gốm cổ Đại Việt sánh ngang hàng với sứ men ngọc thời đó

Chiếc âu gốm cổ Đại Việt sánh ngang hàng với sứ men ngọc thời đó

Gốm hoa lam Chu Đậu

Gốm hoa lam Chu Đậu thời kỳ Lê Sơ đánh dấu giai đoạn phát triển cực thịnh của nghệ thuật gốm Việt Nam. Trong thời kỳ này, một phần vì có chính sách cấm mua bán của nhà Minh, gốm Việt Nam đã có cơ hội vươn ra và đi khắp thế giới. Người ta không thể tìm mua gốm sứ Trung Quốc, nên đã tìm đến quốc gia lân cận là Việt Nam.

Gốm Chu Đậu được đánh giá cao về chất lượng, đến mức nhiều chuyên gia trong và ngoài nước tưởng rằng đây là sản phẩm đến từ Trung Quốc. Cho đến khi có những bằng chứng lịch sử rõ ràng về các lò gốm cổ vùng Chu Đậu, Hải Dương và con tàu đắm Cù Lao Chàm, Quảng Nam, thì giai đoạn đỉnh cao của gốm Việt mới được khám phá.

Hình vẽ minh họa và hoa văn màu xanh, cũng như chủ đề trên sản phẩm gốm thời này rất đa dạng và mang đậm âm sắc Việt, có thể nói là khác so với các kiểu gốm từ trước. 

Thời đại Lý - Trần trước đó cũng tạo tiền đề cho việc giao thương trao đổi diễn ra mạnh mẽ. Do được tiếp xúc với nhiều văn hóa, gốm Chu Đậu thời kỳ này có cả những minh họa về người và sự vật, truyền thuyết của các nền văn hóa nước bạn xa xôi như Ấn Độ. 

Bình gốm Chu Đậu vẽ thủy quái Makara, vớt từ tàu đắm. Hiện ở Singapore

Bình gốm Chu Đậu vẽ thủy quái Makara, vớt từ tàu đắm. Hiện ở Singapore

Gốm Việt ngày nay 

Tiếp nối truyền thống làm nghề gốm từ xưa, hiện nay, tại Việt Nam vẫn duy trì nhiều làng nghề gốm. Nét cổ điển vẫn còn đó, nhưng sự hiện đại và tinh gọn cũng xuất hiện ở thiết kế gốm sứ ở nhiều nơi. Bên cạnh làng gốm sứ với tay nghề, kỹ thuật cao được truyền lại và phát triển, nghề gốm cũng mở rộng ra với cả những cá nhân yêu loại hình nghệ thuật này. Vì vậy mà ngày càng có nhiều thương hiệu gốm, lớn có, nhỏ có, cũng mang ra thị trường những món đồ gốm thủ công đẹp, chất lượng.

Gốm sứ Bát Tràng

Tồn tại từ thế kỉ 13 và vẫn duy trì đến nay, là nguồn cung gốm sứ lớn của cả nước lẫn xuất khẩu quốc tế, với chất lượng cao.

Làng gốm Bát Tràng thuộc Hà Nội (Ảnh: Báo Công Thương)

Gốm sứ Chu Đậu hiện đại

Gốm Chu Đậu của thời trung đại tưởng chừng như đã bị “xóa sổ” khỏi lịch sử, nhưng đã được khám phá ra. Vào những năm đầu của thế kỷ 21, những người con thuộc tỉnh Hải Dương - khu vực là cái nôi của gốm Chu Đậu ngày xưa - đã quyết tâm hồi sinh dòng gốm cao cấp này của tổ tiên. Hiện nay, các sản phẩm gốm Chu Đậu được làm mới thực chất là từ đây mà ra. Trong khi đó, gốm Chu Đậu xưa được xem là cổ vật, có giá trị rất cao, có thể được đấu giá lên đến hàng triệu đô Mỹ.

Gốm sứ Chu Đậu thời nay được người Hải Dương tái sinh

Gốm sứ Chu Đậu thời nay được người Hải Dương tái sinh (Ảnh: Vietnamnet)

Gốm sứ Đông Gia

Gốm Đông Gia là một cái tên mới mẻ nhưng quen thuộc, thuộc những nhà làm gốm hiện đại tại Việt Nam. Gốm Đông Gia nổi bật với dòng men hỏa biến được canh lửa nghiêm ngặt và tỉ mỉ, tạo nên những màu sắc và họa tiết độc đáo, đầy nghệ thuật.

Gốm Đông Gia

Gốm Đông Gia nổi bật với màu men được nghiên cứu kĩ lưỡng (Ảnh: Gốm Đông Gia)

Gốm sứ Tu hú

Tu Hú Ceramics được ra đời để kế thừa tinh hoa của gốm sứ Việt, kết hợp yếu tố truyền thống với cái hiện đại và rất riêng. Điểm đặc biệt ở gốm sứ Tu Hú là những hình minh họa hay họa tiết được vẽ tay hoàn toàn theo hướng tối giản nhưng tạo ấn tượng mạnh mẽ.

gốm tu hú ceramics

Nét giản đơn mà sang trọng của mỗi Tu Hú Ceramics (Ảnh: Tu Hú Ceramics)

Gốm sành phủ men HCeramic

Đến từ Bắc Ninh bởi một nghệ nhân gốm, HCeramic vận dụng kỹ thuật gốm Việt và cách phủ men, được nghiên cứu kỹ, tạo ra những màu sắc trong, thanh đầy bắt mắt. Hình khối ngộ nghĩnh và sáng tạo của sản phẩm gốm HCeramic cũng là một điểm sáng ở đây. 

gốm hceramic

Gốm HCeramic với nước men trong vắt và các thiết kế đương thời, đáng yêu (Ảnh: HCeramic)

Lời kết

Dù là gốm thời kỳ nào, thì tay nghề người nghệ nhân, và những phản ánh về văn hóa, truyền thống đất Việt vẫn hiện hữu ở trong gốm. Mong rằng qua bài viết trên, bạn sẽ có một cái nhìn khái quát hơn về nghề làm đồ gốm đặc sắc của Việt Nam ở thời xưa và thời nay.

Đừng quên, tại Chus có những sản phẩm đồ gốm chất lượng, an toàn, được làm thủ công bởi các nghệ nhân lành nghề đang đợi bạn khám phá!


Tham khảo và tổng hợp từ các nguồn: Wikipedia, Báo Thanh Niên, Báo Nhân Dân, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch